Tăng lương, chọn vì ai?

TP - Chỉ vài ngày nữa, Hội đồng Quốc gia Tiền lương sẽ họp phiên thứ hai để quyết định có hay không việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và nếu có mức tăng sẽ là bao nhiêu.

Đây là điều người lao động theo hợp đồng (không bao gồm công nhân, viên chức) tại các doanh nghiệp cực kỳ quan tâm.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phía đại diện cho quyền lợi người lao động, muốn lương tối thiểu phải tăng, thậm chí tăng thêm tới 13%/tháng. Trong khi đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhất quyết bảo vệ doanh nghiệp (DN) và đòi giữ nguyên, không tăng. Nếu có, bất đắc dĩ, chỉ ở mức tăng dưới cả mức thấp nhất 5% mà Hội đồng Tiền lương đang đề xuất.

Tổng Liên đoàn chỉ rõ, dự kiến lạm phát năm 2017 sẽ là 5%, mức tăng lương tối thiểu nếu ở con số đó thì chỉ đủ bù trượt giá, chứ chưa làm được nhiệm vụ cải thiện  đời sống người lao động. Còn VCCI thì “rên rỉ” DN  đang nặng gánh chi phí, nay “chất” thêm phụ chi từ tăng lương, tăng đóng bảo hiểm y tế, xã hội, biết lấy đâu ra.

Trên thực tế, ai cũng hiểu người lao động phổ thông đang rất vất vả với thu nhập vẻn vẹn trông vào đồng lương doanh nghiệp chi trả. Việc tăng lương chắc chắn sẽ đem thêm chút “tươi” cho nồi cơm hằng ngày của gia đình họ.  Thế nên, dù rất thông cảm, chia sẻ với DN, các chuyên gia và Hội đồng Tiền lương vẫn nhất trí nghiêng về phương án phải tăng. Chưa kể, họ còn chỉ ra những lợi ích mà tăng lương đem lại. Đó là tạo cơ hội khuyến khích người lao động cống hiến, từ đó tăng năng suất lao động, tạo lợi nhuận cao hơn cho DN.

Ngày 12/7, bản tin sáng của VTV kể chuyện nhiều người lao động Mỹ sau khi nghỉ hưu đều muốn có việc làm tiếp tục để kiếm thêm thu nhập. Lý do ngoài muốn cuộc sống năng động còn bởi không ít người trong số họ thấy rằng, số tiền tiết kiệm tích luỹ đến khi nghỉ hưu quá nhỏ nhoi, khó lo nhiều thứ khi đã về già. Với người lao động Việt Nam, hiện cũng vậy. Theo tính toán của các chuyên gia, hiện thu nhập bình quân của một người lao động chỉ đáp ứng (theo đúng nghĩa) 90% nhu cầu tối thiểu. Thống kê liên tục từ năm 2009 đến nay cho thấy, dù mức tăng lương luôn cao hơn lạm phát nhưng cuộc sống người lao động  còn lâu mới với tới hai chữ đủ đầy.

Quyết định ra sao, chỉ ít ngày nữa, sẽ rõ khi Hội đồng Tiền lương công bố. Nhưng dù thế nào, mong và hy vọng, người lao động được quan tâm thực sự, để đời sống của họ vơi bớt khó khăn cơm áo gạo tiền. Từ đó mới chuyên tâm đóng góp sức làm việc, tăng năng suất cao cho DN và xã hội.

MỚI - NÓNG