Chuyện “nhà chung”

Chuyện “nhà chung”
TP - Môi trường là ngôi nhà chung và dù mỗi người có chỗ ở riêng nhưng các thành viên một cộng đồng luôn phải chia sẻ bầu không khí, đất ở và nguồn nước. Nhưng những gì diễn ra trên đất nước ta cho thấy cộng đồng đang hằng ngày hủy hoại ngôi nhà chung ấy, dù vô thức hay đơn giản chỉ là thiếu hiểu biết. Có thể thấy điều này ở mọi địa phương, từ thành thị đến thôn quê.

Làng chài Thanh Châu, xã Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình cũng có vẻ yên bình như bao làng quê khác ở Việt Nam. Cuộc sống của làng từ bao đời xoay quanh dòng sông Gianh. Người ta đánh cá, khai thác rong rêu ở đáy sông để nuôi cá lồng. Người khác ngoài chài lưới còn đóng thuyền phục vụ bạn chài khắp nơi. Nhưng nay, một ông lão thuyền chài tuổi đã 80 cả ngày thả lưới trên sông cũng chẳng bắt được bao nhiêu cá, nhiều bữa xách lưới về không. Cụ bảo một hai chục năm trước, cá 1kg-5kg cụ lưới được trên sông là chuyện thường. Có lần cụ tóm được cá 25kg. Nhưng nay nhiều người khai thác, đánh bắt bằng đủ kiểu tận diệt như nổ mìn, chích điện, khai thác vô tội vạ cả những chú cá con, cá trong mùa sinh sản lại càng không tha. Đã vậy, lại thêm nạn khai thác khoáng sản trên sông. Dòng chảy thay đổi, nguồn nước bị tác động tiêu cực, ô nhiễm khiến nghề nuôi cá lồng cũng vạ lây. Sông dần cạn nguồn thủy sản, số người gác chèo, bỏ thuyền tăng lên, nghề đóng thuyền gỗ cũng vì thế mà chẳng còn nhiều việc làm. Nhiều người dân làng chài phải tứ tán đi các nơi tìm sinh kế.

Những chuyện như thế có ở khắp nơi. Chúng ta đang hằng ngày chứng kiến đất canh tác bị thu hẹp do đô thị hóa, kèm theo đó là hiện tượng ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp. Các dòng sông đang bị bức tử, bị ô nhiễm, bị khai thác vô tội vạ. Bầu không khí, thứ cả cộng đồng “hưởng” chung cũng không tránh khỏi bị đối xử tệ bạc.

Có phải vì nghèo mà cộng đồng ấy phải lo trước cho miếng cơm, manh áo, lo cho không gian riêng mà quên mất ngôi nhà chung-môi trường? Có lẽ điều đó là đúng trong quá khứ. Nhưng bây giờ đất nước ngày càng giàu có, hiện đại, đã đi từ nền văn minh xe đạp, chuyển qua xe máy và giờ đang mon men đến với văn minh ô tô, vậy mà môi trường ngày càng kém đi. Đó là thứ giàu có kiểu trọc phú. Một cộng đồng không biết bảo nhau tự bảo vệ lấy môi trường sống của mình, chỉ bo bo lo cho cái nhà riêng thì chắc chắn là thiển cận, dù có nhiều tiền đến mức nào cũng không thể gọi là xã hội giàu có và văn minh. Chúng ta có cả một bộ máy luật pháp, nhưng chỉ những vụ động trời như vụ Formosa mới thấy cơ quan chức năng rốt ráo, trong khi các hành vi xâm phạm môi trường vẫn hiện diện hằng ngày, ở khắp nơi và đủ loại cấp độ. Nếu tự bản thân chúng ta không nghiêm khắc với chính mình, không tự làm tốt việc bảo vệ ngôi nhà chung từ những việc nhỏ nhất thì chẳng bao giờ ngôi nhà chung ấy an toàn cho bao thế hệ trú ngụ, ẩn náu. Và nếu thế hệ trẻ không được giáo dục đầy đủ về tầm quan trọng, ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ thì nhiều khả năng trong số những đứa trẻ ấy sẽ có những người sau này sẵn sàng vì quyền lợi, của doanh nghiệp hay lợi ích nhóm của họ mà sẵn sàng hy sinh ngôi nhà chung. Đó là viễn cảnh không xa nếu chúng ta không thay đổi.

MỚI - NÓNG