Trong bài viết giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” của tôi đăng trên báo Văn Nghệ, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn tâm sự “Hóa ra lứa chúng tôi cũng từng trải, cũng sống nhiều, biết nhiều đáo để, đâu phải là hời hợt, rong chơi ở cõi đời này…”.
Lứa chúng tôi là lứa tuổi sinh ra những năm cuối thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi, đến bây giờ là vắt qua hai thế kỷ với biết bao biến động, biết bao sự kiện mà nhiều khi nằm mơ cũng không thấy. Chúng tôi là người trong cuộc, khóc, cười, khổ đau và vui sướng… để làm nên những câu thơ, những câu văn, những bài báo thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, của cuộc đời, của chính tâm hồn mình.
Mỗi lần trở lại thành phố Hòa Bình, đi trên đê Đà Giang, nơi mà Nguyễn Hoàng Sơn và tôi nhiều năm gắn bó, trong tôi lại ngân lên hai câu thơ:
Tôi đi một mình trên đê Đà Giang
Dòng sông chảy trong đêm như đại lộ
Hai câu này trong bài thơ “Đi trong đêm thị xã” của Nguyễn Hoàng Sơn làm từ năm 1973, hai câu thơ mà không hiểu sao tôi đã thuộc lòng cho đến nay.
Nguyễn Hoàng Sơn tốt nghiệp đại học kinh tế, không phải là dân học văn và từng gắn bó nhiều năm với mảnh đất Hà Sơn Bình (cũ), nên có nhiều bạn bè văn chương ở đấy, cả những bậc đàn anh như cố nhà thơ Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện… Và tôi có cảm tưởng thơ Nguyễn Hoàng Sơn phảng phất chất cổ thi của xứ Đoài mây trắng: Sông vẫn là sông có lở bồi/Đôi bên cây cỏ khác xa rồi/Bóng mùa vải cũ không còn nữa/Đâu hồn tu hú tiếng xưa ơi! (Sông Cầu)
Tôi nhớ một lần, hình như là đầu năm 1976, nhà báo Hoàng Phong (Nguyên GĐ Nhà xuất bản Thanh Niên, lúc đó ông là Trưởng ban biên tập của báo Tiền Phong) hỏi tôi: “Cậu làm thơ có biết Nguyễn Hoàng Sơn không?”. Tôi bảo: “Chỉ biết qua thơ thôi chứ chưa gặp người”. Thì ra, khi ấy báo Tiền Phong có ý định lấy Nguyễn Hoàng Sơn về làm phóng viên. Nguyễn Hoàng Sơn về báo Tiền Phong sau tôi một năm thì phải, nhưng chúng tôi đã cùng gắn bó với tờ báo cho đến lúc nghỉ chế độ.
Ấn phẩm phụ đầu tiên của báo Tiền Phong là tờ Tiền Phong Chủ Nhật, cũng là một trong những ấn phẩm chủ nhật đầu tiên của báo chí cách mạng nước ta. Và nếu tôi không nhầm thì Nguyễn Hoàng Sơn là trưởng ban Tiền Phong Chủ Nhật đầu tiên, và cũng là thời kỳ tờ TPCN phát triển mạnh nhất.
Vì tôi là TBT nhưng trực tiếp phụ trách TPCN nên những sự kiện vui buồn ở đó luôn gắn với chúng tôi. TPCN có một đội ngũ cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ, dịch giả có tên tuổi và tâm huyết như Nguyên Ngọc, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Trinh Đường, Phùng Quán, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Thiều, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Huy Thiệp, Thúy Toàn, Duy Nam, Thu Thủy… Và ở TPCN, các biên tập viên, ngoài nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, luôn có các nhà thơ, nhà văn khác để “xứng tầm”.
Theo thiển nghĩ của tôi, Nguyễn Hoàng Sơn là một nhà báo biết tôn trọng sự thật và dám bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật dù sự thật đó có phũ phàng, cay đắng… Đó cũng là điểm tương đồng với tôi, cũng từ đó mà tờ TPCN cũng như báo Tiền Phong tập hợp được một đội ngũ với nhiều cán bộ phóng viên dám “nhìn thẳng vào sự thật” và dám bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật, dám đấu tranh vì sự thật, vì công bằng, lẽ phải, vì dân chủ hóa xã hội… Có lẽ điều đó góp phần làm nên uy tín của TPCN cũng như báo Tiền Phong nhiều năm qua.
Khi người thơ chân thật với bản thân mình, dám bày tỏ chính kiến, bày tỏ những điều gan ruột thì những câu thơ, những bài thơ như thế mới đến được với người đọc, mới thực sự lay động lòng người:
…Anh chẳng trách em đâu, thời buổi này là vậy
Sống thì lắt lay mà chết lại tiếc mình
Đành tự giết dần trong trò chơi tình ái
Trò chơi này không có chỗ cho anh (Trò chơi)
Không màu mè, uốn éo, tô vẽ, làm xiếc với những con chữ, Nguyễn Hoàng Sơn đến với người đọc bằng sự chân thực mà sâu lắng:
Mẹ cứ phàn nàn bố lẫn rồi/Một câu mà hỏi cả trăm lời!
Mẹ ơi sống phải thời đa sự/Nhớ hết, làm sao thọ tám mươi! (Quên)
Tôi rất thích những câu thơ viết về tình yêu như thế này của Nguyễn Hoàng Sơn:
Tờ lịch thơ mỏng mảnh
Tay em chớ vò nhàu
Trái tim nhiều kiêu hãnh
Xin đừng làm anh đau...(Một tờ thơ)
Ngay cả những điều chẳng ai muốn nói ra, ấy vậy mà Nguyễn Hoàng Sơn cũng thổ lộ rất thành công qua thơ:
Suốt đời tôi khổ vì những so sánh/ Ngày bé là những miếng bánh/Lớn lên là một suất nhà, một bậc lương/Cả lúc đụng xe, xô xát ngoài đường/Tôi cũng ước giá mình cao to hơn một chút (Ngộ nhận).
Đó chẳng phải là tâm lý thường tình của con người sao? Và để làm được như lời đức Phật dạy quả không phải dễ “Kẻ hơn thì thêm oán/Người thua ngủ chẳng yên/Hơn thua hai đều xả/Ấy được yên ổn ngủ” (Trích “Bước đầu học Phật” - thơ DKA).
Khi người thơ đã chân thật hết mình, thì tự vấn, tự trách, thật ra là tự cảm, cảm để nhận, nhận để biết, biết để hiểu, hiểu để sống cho đúng với bản thân mình: Tại ai? Không, tại anh/Đã vấp còn vấp lại/Sau bao nhiêu từng trải/ Vẫn mua dây buộc mình (Tự trách).
Khi đọc bài thơ này tôi bỗng nhớ tới những cam go thời chúng tôi làm báo TPCN.
Có nhiều bài báo gây chấn động dư luận, được hàng triệu bạn đọc đón nhận đăng trên TPCN, nhưng chúng tôi thì “lên bờ, xuống ruộng”. Tôi còn nhớ, bài báo của cố nhà thơ Phùng Quán viết về một nhà thơ nổi tiếng sau khi nghỉ hưu được bạn đọc rất hoan nghênh, trong đó ông có trích câu nói của một phu nhân về nhà thơ ấy: Vì cái câu này mà chúng tôi bị kiện, mà người kiện lại rất có thế lực! Phải vất vả lắm chúng tôi mới “thoát hiểm”… Sau những lần như thế, một đồng chí cấp trên của tôi chân tình bảo “Ai bắt các cậu phải lao đầu vào những chuyện gai góc, nhạy cảm như thế, sao lại tự mua dây buộc mình…”.
Chẳng ai bắt cả, chỉ có thể là lương tâm bắt những người làm báo chúng tôi phải lên tiếng. Bởi chúng tôi hiểu rằng, nếu nhà báo, nhà thơ, nhà văn không dám nói lên sự thật thì ai sẽ làm thay mình?!
Sống ở trên đời, để làm được điều như nhà thơ Phùng Quán từng viết “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét… Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêu”… Quả là không dễ!
Bởi vậy, chừng nào còn cầm bút (hay ngồi gõ lên bàn phím) để viết những điều chân thật của lòng mình, để bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật, để vì cái hay, cái đẹp, vì sự công bằng, lẽ phải… ắt còn “tự mua dây buộc mình” như nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã thổ lộ.
Cho đến nay, Nguyễn Hoàng Sơn đã xuất bản gần chục tập thơ, trong đó phần lớn là thơ dành cho thiếu nhi. Nguyễn Hoàng Sơn cũng được nhiều giải thưởng về lĩnh vực này trong đó có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Hoàng Sơn thành công hơn cả trong những tập thơ viết cho thiếu nhi với cái nhìn thông minh, dí dỏm, đầy những bất ngờ thú vị:
…Nhưng mà ngộ nhất/là lúc nó vui:/Chẳng cần nhếch mép/Nó cười bằng đuôi (Con Vện)
Tôi rất thích bài “Mỡ và hành cãi nhau”:
Mỡ và hành cãi nhau/- Mùi thơm là của tao/- Không, của tao! Hành hét/Củi cháy nổ lép bép/Chúng chẳng nghe thấy gì/Lát sau Hành đen sì/Mỡ bay mùi khét lẹt/ Cuộc cãi nhau cũng hết!
Nhiều tập thơ Nguyễn Hoàng Sơn tặng tôi như “Đợi mắt nhìn mới nở”, “Dắt mùa thu vào phố”, “Mèo con để râu”, “Lời chào đi trước”… nay tôi mới có thời gian đọc kỹ. Để hiểu hơn một nhà báo, một nhà thơ, một người bạn văn chương cũng yêu cái đẹp, yêu lẽ phải như tôi và cũng nhiều lúc “Tự mua dây buộc mình”…
Nhà vườn Sóc Sơn 2015
Có nhiều bài báo gây chấn động dư luận, được hàng triệu bạn đọc đón nhận đăng trên TPCN, nhưng chúng tôi thì “lên bờ, xuống ruộng”. Tôi còn nhớ, bài báo của cố nhà thơ Phùng Quán viết về một nhà thơ nổi tiếng sau khi nghỉ hưu được bạn đọc rất hoan nghênh, trong đó ông có trích câu nói của một phu nhân về nhà thơ ấy: Vì cái câu này mà chúng tôi bị kiện, mà người kiện lại rất có thế lực! Phải vất vả lắm chúng tôi mới “thoát hiểm”…