Chính vì vậy việc lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp và người dân, từ đó bình chọn ra 10 quy định pháp luật tốt nhất và cả tồi nhất là một tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy sự khách quan và nghiêm túc trong việc ghi nhận lẫn đánh giá, cả khen lẫn chê về chất lượng văn bản quy định pháp luật của các cơ quan công quyền.
Hẳn dư luận còn nhớ các quy định “nổi tiếng” bất khả thi theo kiểu “ngực lép hay sáu ngón không được lái xe” của ngành Y tế hay “thịt không được bán quá 8 tiếng sau giết mổ” của ngành nông nghiệp. Đó là những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến đại đa số dân chúng nên được nhiều người biết đến. Còn những bất cập được nêu ra ngay tại hội thảo hôm qua 22/12 của VCCI thì quả thực, công luận ít được biết vì đó là những quy định pháp luật chuyên ngành. Ví dụ như Thông tư 47 của Bộ TN&MT (năm 2011), quy định nước thải từ trang trại công nghiệp (10.000 con lợn trở lên), phải đạt loại A, tức là nước người có thể... uống được. Tiêu chuẩn này, còn cao hơn chỉ tiêu nước thải của Nhật Bản; hay chuyện ông chủ xưởng in phải có bằng cấp, hay thương nhân phải có kho gạo 10 nghìn tấn, cơ sở xay xát 5.000 tấn mới được xuất khẩu gạo… Đó là những quy định gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí tổn hại cho xã hội ! “Không thể ngồi chờ các bộ được nữa, mà bằng cách nào đó, khách hàng phải lên tiếng đòi hỏi một dịch vụ tốt hơn !”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói.
Đúng như vậy, một trong những cách để người dân lên tiếng, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có sự phục vụ tốt hơn chính là những sự kiện kiểu như “Bình chọn 10 văn bản pháp luật tốt nhất-tồi nhất” nêu trên. Chắc chắn tới tháng 4/2016, thời điểm công bố sự kiện này trước công luận, không chỉ cơ quan ban hành văn bản tốt được biểu dương mà cả những nơi đã tham mưu, đề xuất và ban hành những văn bản tồi nhất sẽ hứng chịu áp lực của dư luận!
Song thiết nghĩ, đó là những áp lực cần phải có, vì một nhà nước phục vụ nhân dân!