Mong ác mộng qua mau
Lệnh giãn cách xã hội một số địa phương kéo dài từ mùa hè vắt sang mùa thu năm 2021, tới thời điểm này vẫn chưa có điểm dừng. Đó thực sự là “cơn ác mộng” đối với các đơn vị nghệ thuật, kinh doanh văn hóa-giải trí từ phim ảnh, nhà hát, vui chơi giải trí trong nhà lẫn ngoài trời. Nhà hát đóng cửa tắt đèn đồng nghĩa không có nguồn thu, nghệ sỹ gặp khó. Còn hệ thống rạp chiếu phim, trung tâm vui chơi giải trí không những mất nguồn thu mà vẫn phải chi phí tiền thuê cơ sở vật chất, tiền bảo trì.
Khi làn sóng COVID-19 thứ tư bùng lên mạnh mẽ, bốn nhà phát hành và kinh doanh rạp chiếu phim gồm CGV, Lotte, Galaxy và BHD cùng ký văn bản gửi Thủ tướng xin vay tín dụng ưu đãi, giảm thuế... do rạp đóng cửa quá lâu. Nhạc sỹ Minh Beta (CEO Bùi Quang Minh), Chủ tịch Beta Group cho hay, cụm rạp của anh cũng giống các cụm khác, đến nay sắp được 4 tháng đóng cửa phòng, chống dịch. Rạp phủ bụi khiến các nhà kinh doanh nhìn thấy mà đau lòng.
Giải pháp xem phim trên nền tảng số có trả tiền cũng không thể khỏa lấp được nỗi nhớ cảm giác thưởng thức một bộ phim ở rạp. Thu Thảo, sinh viên năm cuối trường ĐH Thương mại “nghiện” phim rạp, dịch giã lại bắt cô tạm quên thói quen ra rạp mỗi tuần. Thảo đành len lỏi vào các diễn đàn về phim ảnh để hóng tin. Một quản trị viên của trang chuyên phê bình phim cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, đội ngũ quản lý duy trì tương tác bằng các bài giới thiệu phim mới ra rạp ở Mỹ, châu Âu. Câu hỏi họ thường xuyên nhận được là “chừng nào rạp mở cửa?”
Một nhóm chuyên bình phim chiếu rạp có gần 22 nghìn thành viên còn mở cuộc thảo luận “rạp chiếu phim nên mở hay không?”. Nhiều người đặt vấn đề các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan khá tương đồng Việt Nam về bối cảnh chống dịch, họ bắt đầu nới lỏng hơn để mở cửa rạp. Tất nhiên, họ có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho khách hàng bằng việc giãn cách ghế xem, mua vé trực tuyến và tất nhiên “thẻ xanh” vắc-xin cũng là một tiêu chí.
Ngồi trên đống lửa
Trong bối cảnh cả nước bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội để một số hoạt động kinh doanh được mở cửa trở lại, Minh Beta chờ đợi và hy vọng dịch COVID-19 nhanh chóng được kiếm soát, chờ ngày các rạp được mở cửa trở lại. “Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo sức khỏe cho nhân viên bằng việc tiêm đủ liều vắc-xin, đào tạo, hướng dẫn nhân sự để có kiến thức, kỹ năng cần thiết bảo vệ bản thân và khách hàng giữa đại dịch. Chúng tôi cũng sẵn sàng các khâu cần thiết để sẵn sàng hoạt động ngay khi hết giãn cách”, anh nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc Galaxy Studio nói hộ tâm trạng “ngồi trên đống lửa” của nhiều nhà phát hành, kinh doanh rạp phim. “Hơn ai hết chúng tôi mong được sớm hoạt động trở lại, với cam kết tuân thủ đầy đủ các tiêu chí phòng, chống dịch của Chính phủ như yêu cầu tiêm vắc-xin, các biện pháp 5K. Chúng tôi mong được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ phía các cơ quan chức năng để tái khởi động mở lại cụm rạp; giúp doanh nghiệp hồi phục sau hai năm khó khăn chồng chất”, bà Mai Hoa nói.
Không riêng các nhà hát, nhà kinh doanh rạp phim mong ngóng trở lại bình thường mới, các đơn vị tổ chức sự kiện cũng đếm từng ngày. Bà Đỗ Huyền Trang, Phó Giám đốc Media Max nói rằng, riêng năm nay ít nhất bốn chương trình hoành tráng phải hủy bỏ, trong đó có một chương trình lớn để quyên góp từ thiện vào tháng 7 vừa rồi. Liveshow ca nhạc thường niên vào 8/3, chương trình đầu tư công phu với chủ đề Hà Nội và Mùa thu vào tháng 8, 9 đều lỡ hẹn. Chương trình rơi vào các điểm hẹn lớn như 20/10 hay đón Noel sắp tới đều ở chế độ chờ.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục sớm tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL ra văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà hát chủ động chuyển đổi mô hình hoạt động như xây dựng nhà hát trực tuyến, phát hành tác phẩm trên hệ thống mạng xã hội có thu phí.
Các nhà hát của Hà Nội, nhà hát Trung ương thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) gần như nằm im suốt từ đầu năm 2021. Trong diễn đàn về hành động của ngành văn hóa hôm 22/9, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhắc nghệ sỹ “không thể chờ tới khi hết dịch để lên sân khấu biểu diễn”. Ông Hùng mong nghệ sỹ tìm lối đi mới, chẳng hạn theo cách các Youtuber khai thác tác phẩm có thu phí trên mạng xã hội. Nhiệm vụ không dễ dàng vì đặc thù cần sự tương tác, thưởng thức trực tiếp như sân khấu. Tuy thế Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì nhiều nhà hát như Nhà hát Kịch Việt Nam, Tuổi trẻ, Múa rối Thăng Long, Ca Múa Nhạc Việt Nam… thắp lên ngọn lửa sân khấu bằng chuỗi chương trình trực tuyến.
Giải pháp tình thế này cũng có thể xem như cách ứng phó tích cực, mở ra hình thức như nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến, xây dựng kênh Youtube cho từng đơn vị nghệ thuật.