Nhà hát rục rịch chờ đón khách

0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ rục rịch trở lại tập để chờ ngày sân khấu sáng đèn Ảnh: KỲ SƠN
Nghệ sĩ rục rịch trở lại tập để chờ ngày sân khấu sáng đèn Ảnh: KỲ SƠN
TP - Để sớm đón lệnh được trở lại hoạt động, các nhà hát vừa “ôn bài” vừa nghĩ kế biểu diễn theo chiến lược đánh nhanh thắng nhanh trong bối cảnh COVID-19 khó lường.

Ðổi chiến lược

Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và loạt nhà hát tại Hà Nội bớt cô quạnh do diễn viên được trở lại sàn tập. Với Nhà hát Tuổi trẻ, thời điểm hè- như thường lệ là thời gian vàng cho diễn viên biểu diễn tràn cung mây ngày vài suất, ấy vậy mà năm nay buộc phải đóng cửa im ỉm suốt nhiều tháng. Từ đầu năm tới nay, nghệ sĩ mới kịp diễn vài suất. Tình trạng này không của riêng nhà hát nào, bởi dịch bệnh bủa vây hết đợt này tới đợt khác. “Anh em sốt ruột lắm rồi vì lâu lắm không được làm việc. Những ngày nghỉ dịch cả nhà hát có vài người trực buồn lắm, cứ ngồi nhìn lên bảng sự kiện bị xóa dần lịch hoạt động”, NSƯT Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, Cục làm việc với đài truyền hình, đại diện các nhà hát để đưa một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật lên truyền hình, dự kiến phát sóng từ đầu tháng 7. “Cục cân đối các hoạt động, hỗ trợ một phần kinh phí cho các nhà hát bằng cách chuyển đổi một số hoạt động từ tổ chức biểu diễn truyền thống sang hình thức phát trên truyền hình”, ông Dương nói.

Hà Nội được phép mở lại một số hoạt động, dù chưa được mở lại rạp hát thì nghệ sĩ vẫn bắt tay ngay vào ôn luyện. Bầy chim thiên nga là một trong những chương trình qua nấc tổng duyệt, sẵn sàng để bán vé. “Tôi nghĩ các nhà hát đều phải thay đổi chiến lược biểu diễn, phải thực hiện đánh nhanh thắng nhanh. Năm ngoái Nhà hát Tuổi trẻ khá thành công khi tháng 5 được phép hoạt động trở lại, nghệ sĩ gấp rút luyện tập và diễn được mấy chục suất liên tiếp. Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghệ sĩ càng cần tùy cơ ứng biến hơn nữa”, NSƯT Sỹ Tiến nêu.

Liên đoàn Xiếc (LĐX) Việt Nam dù nghỉ dịch thì diễn viên vẫn không được ngưng tập. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc LĐX Việt Nam nói, nghệ sĩ xiếc sẵn nong sẵn né cả loạt chương trình biểu diễn chờ khán giả đến rạp. Vở xiếc Biệt đội anh hùng đáng lẽ diễn dịp 1/6 nay được đẩy xuống dịp Trung thu, trong khi đó nghệ sĩ vẫn miệt mài tập luyện cho chương trình khác theo kế hoạch năm. “Qua bốn đợt bùng phát dịch, lần này chúng tôi thấy sức ảnh hưởng vô cùng nặng nề, tác động lớn nhất tới tâm lý khán giả. Dù được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn cần một khoảng lùi để hút khán giả yên tâm tới thưởng thức nghệ thuật”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Muốn hút khán giả, LĐX Việt Nam phải tung ra các gói kích cầu. Cái khó ở chỗ học sinh đang nghỉ hè, chuẩn bị thi cử vì vậy không thể thực hiện được gói kích cầu đối với trường học. Lãnh đạo LĐX Việt Nam cho rằng, dù khó khăn trăm bề nhưng không vì thế mà dừng lại hay bỏ cuộc. “Nghệ sĩ buộc phải thích nghi với trạng thái mới. Các đơn vị nghệ thuật phải tìm lời giải bài toán khó, để lôi kéo khán giả quay lại. Điều này chỉ có thể thực hiện khi dịch được kiểm soát tốt, khán giả hết e ngại dịch bệnh và kinh tế bắt đầu ổn định”, NSND Tống Toàn Thắng phân tích.

Ðưa sân khấu lên màn ảnh nhỏ

Quãng thời gian sống chậm của nghệ sĩ không thể kéo dài mãi. Các lãnh đạo Nhà hát buộc phải vắt óc tìm cái khôn trong cái khó. NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, lãnh đạo nhà hát trích kinh phí hỗ trợ chút ít cho diễn viên trẻ ký hợp đồng vụ việc, xem như động viên diễn viên trẻ theo nghề. “NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát trực tiếp chỉ đạo nhóm nghệ sĩ trẻ và phòng Tổ chức biểu diễn xây dựng loạt sản phẩm trên nền tảng Tik Tok để quảng bá cho nhà hát. Sản phẩm được tổ chức bài bản, sẽ ra mắt trong thời gian tới”, Phó giám đốc Minh Hiếu nói.

Nhà hát Tuổi trẻ cũng lựa chọn trong kho dữ liệu một số trích đoạn kịch thiếu nhi đặc sắc, một số bài hát thiếu nhi đưa lên mạng xã hội. “Chúng tôi xem đây là cách chia sẻ hoạt động nghệ thuật đến với đông đảo khán giả hơn nữa”, NSƯT Sỹ Tiến nói.

Tự nhận lâu nay chưa xem trọng truyền thông quảng bá qua mạng xã hội, NSND Tống Toàn Thắng thông tin, LĐX Việt Nam tích cực để lan tỏa hoạt động nhiều hơn trên Facebook để tăng tương tác với khán giả.

Gỡ khó cho các nhà hát, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa rồi chủ trương đưa một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu lên truyền hình. Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ hy vọng đây là giải pháp kịp thời để đưa tác phẩm chất lượng lên truyền hình, nhằm giữ được đường dây hoạt động văn hoá nghệ thuật, để sân khấu khỏi bị lãng quên. Nghệ sĩ tham gia ghi hình có thêm chút kinh phí luyện tập, lại vừa được tiếp thêm liều thuốc khích lệ tinh thần diễn viên giữ lửa nghề.

Đánh giá cao tinh thần hỗ trợ nghệ sĩ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên NSND Tống Toàn Thắng băn khoăn, giải pháp này phù hợp với các nhà hát khác nhưng không dễ dàng với xiếc. “Các loại hình sân khấu khác dễ dàng đưa vào trường quay ghi hình với đặc thù sân khấu vuông. Xiếc với sở trường riêng sân khấu tròn nếu muốn đưa lên truyền hình phải đầu tư trang thiết bị ghi hình tại rạp”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Nhà hát rục rịch chờ đón khách ảnh 1

Một số trích đoạn kịch thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ được đưa lên truyền hình Ảnh: KỲ SƠN

Xung quanh ý tưởng đưa tác phẩm sân khấu lên truyền hình có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nghệ sĩ chung quan điểm sự mộng mị, long lanh của sân khấu, sự tương tác trực tiếp về mặt cảm xúc của nghệ sĩ sẽ mất đi khá nhiều nếu chỉ được ghi hình đưa lên màn ảnh. Nhìn nhận ở góc độ tích cực, NSƯT Kiều Minh Hiếu phân tích, giải pháp này có ý nghĩa đặc biệt ở việc khuếch trương, quảng bá mạnh mẽ hơn cho các nhà hát, để phủ sóng tầm ảnh hưởng của tác phẩm sân khấu. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chưa phải là nhu cầu thiết yếu, nghệ sĩ vì vậy xác định tâm thế chưa thể nóng vội mong biểu diễn. Hoạt động đưa tác phẩm lên truyền hình cũng là cách khuấy động tích cực trong giai đoạn khó.

MỚI - NÓNG