Nhà hát đóng cửa, lo mất diễn viên

0:00 / 0:00
0:00
Nhà hát đóng cửa, nhiều diễn viên trẻ khó khăn phải bỏ nghề Ảnh: KỲ SƠN
Nhà hát đóng cửa, nhiều diễn viên trẻ khó khăn phải bỏ nghề Ảnh: KỲ SƠN
TP - Gần hai năm chống chọi COVID-19, nhiều nghệ sĩ thừa nhận nghệ thuật sân khấu “tan tành”. Thế nhưng tại tọa đàm trực tuyến bàn giải pháp vượt khó vào tối 25/5, nhiều lãnh đạo nhà hát nói điều lo lắng hơn cả là diễn viên rơi rụng dần, nguy cơ thiếu hụt nhân sự.

Giữ chân diễn viên

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thừa nhận sân khấu “tan tành” vì dịch. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam lắc đầu nói, nghệ sĩ hầu như bị hạ đo ván trong cuộc chiến chống COVID-19. Tình trạng này là bức tranh chung cho các nhà hát từ nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, múa rối cho tới kịch nói.

Nhà hát khép màn nhung nghỉ diễn đã đành, nhưng mối lo lớn nhất của những người đứng đầu là chảy máu nhân sự. NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam kể, từ năm ngoái tới nay khi dịch bùng phát, diễn viên trẻ hợp đồng nghỉ việc gần hết, trừ 19 diễn viên được vào biên chế trả lương. “Không có lương nên các em bỏ ra ngoài. Chèo không còn lực lượng nối tiếp nên sẽ khiến hoạt động nhà hát khó khăn khi mọi hoạt động trở lại bình thường”, Thanh Ngoan nói.

Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện phải chấm dứt hợp đồng với một số diễn viên để chuyển qua hợp đồng công việc. “Chúng tôi lấy tiền dựng vở biểu diễn nuôi diễn viên được ba tháng, mỗi năm ba vở nên mới chỉ có tiền nuôi diễn viên 9 tháng, 3 tháng còn lại chưa biết lấy tiền đâu”, NSND Triệu Trung Kiên nói. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam thì cho biết, ngoài nỗi lo miếng cơm manh áo, sợ nhất là các nghệ sĩ dần bỏ đi: “Đào tạo được nghệ sĩ biểu diễn rối rất khó, thế mà có em vào được một thời gian bỏ đi làm bảo hiểm, đi làm nhôm kính, lái xe.

NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam đề xuất giữ con người bằng chính sách. Bởi theo quy định tại Nghị định 161, các nhà hát lấy tiền thu từ sự nghiệp để trả lương diễn viên hợp đồng, nay mọi nguồn thu từ biểu diễn bị chặt đứt nên mới có chuyện nhiều diễn viên chuẩn bị được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, thậm chí có danh hiệu rồi vẫn bỏ ra ngoài. “Con người là quan trọng, vì vậy trước mắt chúng ta cần kiến nghị với Bộ VHTTDL có chính sách để giữ con người bằng cách cho tạm dừng áp dụng Nghị định 161. Sau này, khi nhà hát vào guồng hoạt động tốt rồi thì áp dụng Nghị định 161 để đảm bảo bình đẳng với các nghề nghiệp khác”, NSND Ngọc Tuấn nói.

Giải pháp nóng

Chung mong mỏi được sửa đổi Nghị định 161 thời điểm khó khăn này, tuy nhiên NSND Thanh Ngoan biết cơ chế chính sách không thể sửa đổi một sớm một chiều, vì thế cần những giải pháp tức thì. “Tôi cho rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL có thể hỗ trợ luôn và ngay cho các nhà hát bằng 10, 20 đêm diễn chẳng hạn. Chỉ cần hết dịch, các nhà hát sắp xếp biểu diễn ngay để lấy nguồn hỗ trợ chi ngay cho anh em”, chị nói.

Các nhà hát mạnh ai nấy lo, vì thế Triệu Trung Kiên đề xuất thay vì mỗi nhà hát một năm dựng hai vở thì có thể dồn kinh phí cho một vở để đầu tư có chất lượng nhất: “Chúng ta phải đầu tư nhiều tiền, phải huy hoàng mới có khán giả. Có lẽ Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể điều tiết các nhà hát dựng vở theo chủ đề, không làm manh mún”. Triệu Trung Kiên còn đề xuất nên có sự liên kết để đưa nghệ thuật truyền thống tới học sinh, công nhân ở các khu công nghiệp với mức tối thiểu 1-2 buổi xem kịch mỗi năm, kinh phí cũng không phải quá lớn.

Đề xuất xây dựng nhà hát trực tuyến được nêu ra ngay từ khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, thế nhưng Xuân Bắc cho rằng, biểu diễn sân khấu khác hoàn toàn điện ảnh, truyền hình. Sân khấu chỉ tồn tại khi có khán giả đến xem trực tiếp. Chính vì thế trong lúc không thể dựng vở hay biểu diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam có kế hoạch tạo ra các ê kíp làm truyền thông ứng dụng công nghệ qua nền tảng Youtube, Tik Tok để tăng tương tác với khán giả.

Ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, lãnh đạo Cục vừa ký văn bản gửi các nhà hát để có định hướng hỗ trợ. “Chúng tôi có kế hoạch tiếp cận công nghệ số để xây dựng các chương trình nghệ thuật trên nền tảng số. Cục sẽ mời các lãnh đạo nhà hát bàn bạc, lên kế hoạch cụ thể, chẳng hạn phát sóng các vở diễn xuất sắc trên truyền hình. Đây là thời kỳ khó khăn nhất, Cục luôn sát cánh cùng anh chị em nghệ sĩ”, ông Dương nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.