LỘC VÀNG Ở NHÀ HÁT LỚN
Chương trình ra mắt sách của Nguyễn Thụy Kha có tên “13...” Tức là ra mắt 13 cuốn sách cũ mới một lúc, và sẽ không dừng ở đó, nên mới có dấu ba chấm.
Trong chương trình có sự trần tình của chủ nhân về chặng đường lao động cống hiến, có màn phát biểu cảm tưởng của các nhạc sĩ nổi tiếng - chỗ thân tình cũng là nhân vật trong sách Thụy Kha. Và điểm xuyết một số tiết mục văn nghệ cho xôm trò đồng thời giống như sự xưng tụng công việc viết báo viết sách mảng âm nhạc - vốn là sở trường của Thụy Kha.
Hôm ấy các ca sĩ hát đều đặc biệt hay so với chính họ - có lẽ bởi mối thâm tình với chính chủ. Đăng Dương: Tình em, Kim Tiến: Áo mùa đông, Ngọc Châm: Ngậm ngùi, Quỳnh Hoa: Tình nghệ sĩ, Minh Thu: Tình xa.
Ở tuổi ngoài 70, Lộc Vàng lên sân khấu trong bộ quần áo trắng. Con trai đệm đàn cho ông, tiếc rằng tắc đường nên anh đến muộn, chỉ phụ giúp bố được một bài. Anh đệm thật hay. Bố anh hát vẫn hay.
Phút ban đầu, có thể Lộc Vàng thoáng chút run rẩy, nhưng rồi lập tức cất tiếng hát mượt mà tha thiết: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước em đến tôi một lần...”.
Hát xong đi vào cánh gà, Lộc Vàng ôm mặt khóc kể với Kha, cách đây 49 năm đã đứng ở chính chỗ đó hát 10 bài liền. Nhân dịp gì, để làm gì? Có căn nguyên không bình thường của nó.
Nhiều người biết Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, có nghệ danh Lộc Vàng bởi là người hát nhạc Tiền chiến nổi tiếng, xưa kia gọi nhạc “vàng”. Ông bị kết án 10 năm tù vì hát nhạc vàng, thụ án 8 năm thì ra tù, 1976. Và cuộc “biểu diễn” ở Nhà hát Lớn ngót 5 chục năm trước, theo ông, là do nhạc sĩ Đỗ Nhuận tổ chức. Đỗ Nhuận được phân công thẩm định chuyên môn, đánh giá việc Lộc Vàng hát nhạc vàng, lấy buổi thu thanh đó làm bằng chứng để đưa ông ra tòa.
Người viết bài này đã đôi lần ghé quán cà phê Lộc Vàng ở đường Trích Sài ven hồ Tây nên hoàn toàn hình dung ra ông đã xúc động đến mức nào khi được đứng ở một nơi như Nhà hát Lớn để hát những ca khúc định mệnh của mình. Còn cuộc đời viết báo văn nghệ, là nghệ sĩ như Nguyễn Thụy Kha có những niềm vui như vậy đấy - làm được những việc mà người khác không thể hoặc không dễ dàng gì, mà việc đã làm cho Lộc Vàng chỉ là một trong số đó.
KHÔNG CÒN ÁO GẤM ĐI ĐÊM
Năm 1990, Thụy Kha phục viên với hàm thiếu tá. Chưa biết làm gì kiếm sống, ông được bạn thân- nhà thơ Thanh Thảo rủ làm cùng tạp chí Sông Trà. Chuẩn bị số đầu tiên, ông được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng khuyên: “Cháu hãy tập trung sức lực và khả năng làm dân trí”. “Tôi ghi lòng tạc dạ lời khuyên ấy và bắt đầu viết những dòng đầu tiên về dân trí cho báo Lao Động từ những năm 90”.
Vậy sau bao năm, ông thấy mình góp phần nâng cao dân trí đáng kể không? “Có”- lời đáp gọn lỏn. Sau đó thêm: “Kể cả thay đổi nhận thức của lãnh đạo”.
Những việc tiên phong, khai mở dân trí mà người này lấy làm tự hào: Năm 1989 cùng Trần Tiến làm đêm thơ nhạc từ thiện xôm tụ đầu tiên ở Hà Nội. 1991 làm phim về Trạng Trình. Sau đó lần lượt các phim về Văn Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Hàn Mặc Tử. 1994 cùng Hồng Đăng, Dương Thụ sản xuất bốn đêm Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam. 1997 thì bốn đêm Một thập kỉ tình khúc, làm với báo Lao Động và Phú Quang. 1998 bắt tay viết bộ tiểu thuyết về năm nhạc sĩ lớn. 2001 mở công ty tổ chức sự kiện, vẫn “làm ăn” đến giờ v.v...
Về thành tích “quậy phá”, có thể dẫn bài thơ Nhớ Bungacov của Thụy Kha, đã cùng với bài Nhìn từ xa, Tổ quốc của Nguyễn Duy khiến tạp chí Sông Hương vĩnh viễn dừng ở số báo thứ 36.
Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Thụy Kha cũng từng ẵm. Trong âm nhạc, có năm lên ẵm 4 giải một lúc. Buổi ra mắt sách ở Nhà hát Lớn tháng 6 vừa rồi, ông bộc bạch: “Tôi làm báo để sống, làm nhạc để vui, làm thơ để chết”.
Thụy Kha kể, Nguyễn Việt Hà (trùm tản văn) nói Kha: “Ông chỉ là thằng áo gấm đi đêm. Ông còn để người ta ăn gian ông đến bao giờ nữa”. Ý nói độ nổi tiếng chưa xứng với thành quả lao động. Cho nên Kha mới tung 13 cuốn sách một lúc, không hẳn là “làm reo” mà “xin được một lần áo gấm đi ngày”.
CÒN LẠI TÌNH YÊU
Thập kỉ 90, bắt đầu làm báo, một trong những người đầu tiên thuộc giới văn nghệ -báo chí mà tôi tiếp kiến là Nguyễn Thụy Kha. Trước đó, trong luận văn tốt nghiệp, được thầy hướng dẫn - GS Hà Minh Đức lưu ý một số bài thơ Nguyễn Thụy Kha, và tôi đã chọn trích bài Người bán rắn ở Văn Miếu vào luận văn với những câu thơ thế sự khá ám ảnh: Người ta thường vì nghĩa lớn/ Thường dễ hơn những toan lo cỏn con. Hoặc: Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn/Trong tay anh cầm/Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn/ Giữa bao nhiêu giằng xé mất còn.(Người bán rắn là một cựu binh).
Sau đó thấy nhiều người thích, chép vào sổ tay những câu thơ tình Thụy Kha như: Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/Rơi cơn mưa ban trưa/Chợt thấy mình tách làm hai nửa/Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa. (Bài Không đề).
Tôi và Cẩm Vinh con dâu Bùi Xuân Phái, cậy quen biết lâu năm nên có nét nhờn, hễ gặp Thụy Kha là hè nhau trêu chọc. Như khi Kha viết bài Sớm quá, Hiền ơi (khóc Trần Hiền, người bạn làm nghề quay phim yểu mệnh), chúng tôi bảo chắc mình phải viết bài Muộn quá, Kha ơi! Chúng tôi còn bao phen láo toét hơn thế nhưng bao giờ Thụy Kha cũng chỉ cười khì, và có mặt bất cứ khi nào “chị em” vẫy tay. Rất quân tử, nhiệt thành.
Trong câu chuyện với một người sành nhạc như Thụy Kha, thường không thiếu những việc như xếp hạng giới nhạc, định giá các thành tựu của họ... Đánh giá Văn Cao, Thụy Kha cho rằng: “trời cho”. Nguyễn Xuân Khoát: người cho. Lưu Hữu Phước: thời cho.
Định vị ca khúc của một số nhạc sĩ Hà Nội tài danh, tôi lại không hoàn toàn đồng nhất với ông. Ví dụ bài hay nhất của Trần Tiến, theo Thụy Kha là Những đôi mắt mang hình viên đạn, Trần trụi 87. Nhất của Phó Đức Phương: Hồ trên núi. Phú Quang: Chiều không em (phổ thơ Thụy Kha)...
Tôi lại cho rằng đặc sắc nhất của Trần Tiến phải là Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông Hồng, Tiếng trống Paranưng, Chiếc vòng cầu hôn. Phó Đức Phương: Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi. Phú Quang: Em ơi Hà Nội phố. Vân vân.
Nhiều người kêu Thụy Kha ôm đồm quá, tham như nhà quê tham thóc, gì cũng làm, y như ông bạn thân Nguyễn Trọng Tạo: Nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà tổ chức biểu diễn... Nhưng nếu bạn thành thục tất cả những việc này, liệu bạn có đủ dũng cảm từ bỏ dù chỉ một thứ?
Ngay việc chịu khó “chiều vong”, viết về những người nổi tiếng vừa qua đời hoặc nhân giỗ chạp, không phải ai muốn là làm được. Hỏi Thụy Kha: “Sao giới nhạc ít người viết chân dung, phê bình?”. “Có lẽ vì họ thiếu tình yêu. Không có tình yêu khiến không muốn nỗ lực để chinh phục”.
Nhìn những cuốn sách chất đống ở sảnh Nhà hát Lớn hôm ấy, nào Thuở bình minh tân nhạc, Thế kỷ âm nhạc Việt Nam, rồi sách về các văn nhân nghệ sĩ - đều dày hự, với những tít bài đọc mà chóng mặt ù tai, không thể không khâm phục sức làm việc của Nguyễn Thụy Kha. Ngoài sự cần mẫn không ngừng nghỉ như con ong, có lẽ đúng là tình yêu lớn đã khiến ông có được hôm nay. Ông khoe thư viện trường Harvard có tới 3 chục đầu sách Nguyễn Thụy Kha. Chúc mừng ông.
“Không ngờ thụy kha viết về tôi sâu sắc thế”
Lên sân khấu ủng hộ cuộc ra mắt sách của Thụy Kha, nhạc sĩ Văn Ký phát biểu khiến mọi người cười ồ: “Thụy Kha viết nhiều về tôi mà tôi lười đọc. Hôm nay mới đọc, không ngờ viết khá sâu sắc. Cứ tưởng chỉ lớt phớt thôi. Nếu không có những người như Kha thì không mấy ai biết mình hoạt động thế nào”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì đánh giá cao việc Thụy Kha nghĩ khác nhiều người ở thế hệ ông. Ý nói “cấp tiến”. Còn nhà thơ Hồ Ngọc Sơn, tác giả phần lời của ca khúc Tình em (nhạc: Huy Du) được Đặng Dương biểu diễn trong chương trình, ưu ái gọi những cuốn sách phê bình khảo cứu âm nhạc của Thụy Kha là “để đời”. Và “rất cần những chuyên gia hiểu sâu vấn đề như Kha”.