Nguyên nhân sâu xa gây lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể.
Nguyên nhân sâu xa gây lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh QH

"Cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư"

Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) băn khoăn, tại sao trong khu vực công, hiện tượng lãng phí lại luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư? Từ thất thu thuế, đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ…dù đã được triển khai nhiều chương trình, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, thất thoát, lãng phí khu vực công vẫn xảy ra và còn đó nhiều trăn trở.

“Một thực tế đang diễn ra, trong cùng một cá nhân, nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, tài sản của bản thân”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Theo bà Nga, trong số nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân căn bản là do ý thức cá nhân, chỉ chú trọng đến lợi ích của bản thân, vì bản thân. “Nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể”, đại biểu nhấn mạnh, tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, và cao hơn là của quốc gia lên trên hết.

“Một thực tế đang diễn ra, trong cùng một cá nhân, nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, tài sản của bản thân”, nói về việc này, đại biểu Nga nhấn mạnh đến lối sống văn minh, văn hoá, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, tập thể, quốc gia lên trên hết.

Chia sẻ và đánh giá rất cao nỗ lực của đoàn giám sát, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) quan tâm đến vấn đề giao chỉ tiêu và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, chưa lấy thực tế làm thước đo đánh giá. Đại biểu đặt câu hỏi, phải chăng 63 chiếc áo đồng phục thể chế làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo quá chật chội?

Đại biểu cũng cho biết, do cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp, đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng đã làm vùng Đông Nam Bộ nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, dù có điều kiện, cơ hội, dư địa phát triển, nhưng đang cạn dần nguồn lực, động lực để tăng trưởng. Việc lãng phí cơ hội này có cần được nhận diện, đánh giá hay không?

Theo ông Nhân, hiện nay, đất nước đang có nhiều ưu tiên để thực hiện, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh. Nhưng theo đại biểu, điều quan trọng là nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên. Do đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cởi các nút thắt, tạo nguồn lực tăng trưởng cho đất nước.

Nguyên nhân sâu xa gây lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc)

Có trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) quan tâm đến tình trạng trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp bộ máy còn phân tán, bỏ hoang. Theo đại biểu, công tác rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư có chuyển biến tích cực nhưng còn một số hạn chế. Đó là việc bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 288 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với 45 tỉnh, thành thuộc diện có đơn vị hành chính cần sắp xếp lại còn nhiều bất cập.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì hai đến ba trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp ổn định trụ sở làm việc vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc .

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không nhưng chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng. Một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng ở các tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, không đủ diện tích ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức, cơ quan phải đi thuê trong khi có trụ sở bị bỏ hoang.

“Việc thu hồi, điều chuyển trụ sở làm việc dôi dư gần đây đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư. Một số cơ quan ngành dọc của địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực”, đại biểu cho hay.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đồng tình cao với nguyên nhân nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát, trong đó có công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài, không kịp thời xử lý các vướng mắc nên khó khăn trong việc thu hồi, sắp xếp nhiều tổ chức, cá nhân cố chây ì tiếp tục đề xuất giữ lại cơ sở nhà, đất để sử dụng không đúng mục đích. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền vẫn là chủ yếu.

Để tránh tiếp tục lãng phí trụ sở công như trên, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở cơ quan, tổ chức, các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019- 2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý theo tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để có phương án xử lý dứt điểm.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.