Ông Trần Văn Phượng, người nuôi cá tầm trú tại thôn Vĩnh Minh, xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), kể rằng năm 2005, gia đình đầu tư 10 bể nuôi cá tầm trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Mỗi năm gia đình thu khoảng 100 tấn cá thương phẩm.
Tuy nhiên, kể từ năm 2014, cá Trung Quốc về nhiều, cạnh tranh giá cả nên hầu như năm nào cũng thua lỗ. “Cuối năm 2020, thua lỗ nhiều quá, bản thân tôi bị bệnh ngày một nặng, phải nằm viện điều trị nên gia đình đã dừng nuôi, bỏ hoang bể, trả lại đất”, ông Phượng cho hay.
Anh Hà Trần Quyền, người nuôi cá tầm ở xã Hòa Lạc (Hữu Lũng, Lạng Sơn), cho biết, gia đình đầu tư hơn 50 bể, dẫn nước từ hồ Cấm Sơn về nuôi cá tầm giống, thương phẩm từ năm 2010. Từ năm 2013 đến nay, cá tầm Trung Quốc về nhiều, không thể cạnh tranh về giá nên gia đình anh chỉ nuôi cầm chừng. Hiện 40% số bể bị bỏ hoang.
“Giá cá Trung Quốc bán buôn chỉ dưới 100.000 đồng/kg, trong khi, cá tầm trong nước phải bán 150.000 -165.000 đồng/kg mới có lãi. Gia đình tôi nuôi quy mô nhỏ. Từ khi cá tầm Trung Quốc tràn vào Việt Nam, tôi cũng lỗ vài trăm triệu, có năm mất cả tỷ đồng. Đến nay, không chỉ riêng tôi mà nhiều người vẫn e dè không dám đầu tư nuôi lớn vì sợ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc”, anh Quyền nói.
Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai cũng nhiều lần phản ảnh: Cá tầm dùng làm thực phẩm, đặc biệt là cá tầm Trung Quốc xuất hiện tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán chỉ bằng 2/3 giá cá trong nước. Đặc biệt, khi cá tầm nhập về Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc với cá tầm nuôi tại Việt Nam, người tiêu dùng khó phân biệt.
Sơ hở trong kiểm soát nhập khẩu
Như Tiền Phong đưa tin, cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT kiểm tra 11 mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM), có tới 8 mẫu được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam. Khảo sát cũng cho thấy, một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Theo quy định hiện hành về lâm nghiệp, thủy sản và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), cá tầm là động vật hoang dã nhưng vẫn được phép nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm. Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 29/CT-TTg yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật). Với cá tầm, khảo sát tại chợ đầu mối Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) cho thấy, cá được nhập khẩu, đến tay người mua vẫn là cá sống.
Theo thống kê của cơ quan quản lý CITES Việt Nam, từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021, các doanh nghiệp nhập khẩu 2.988 tấn cá tầm Trung Quốc về Việt Nam. Cơ quan này đã đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm Trung Quốc.
Ngoài ra, cơ quan quản lý CITES Việt Nam yêu cầu hậu kiểm cá tầm theo Điều 29 Nghị định 06/2019/NĐ-CP (về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Tức là các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ ngoài có xác nhận của cơ quan thú y và cách ly kiểm dịch, phải có khu chế biến đáp ứng an toàn thực phẩm theo quy định và chỉ bán ra thị trường sản phẩm (là nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm, không phải là cá còn sống).