TS Lương Minh Huân, Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), cho biết, nhận thức về kinh doanh năm 2013 của người trưởng thành ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Chỉ gần 37% người trưởng thành nhận thức có cơ hội khởi sự kinh doanh và gần 49% nhận thức có năng lực kinh doanh. Trong khi đó, con số này bình quân của các nước tỷ lệ lần lượt là gần 61% và 69%. Ngoài ra, tỷ lệ người lo sợ thất bại khi kinh doanh là rất cao.
Theo ông Huân, tỷ lệ người Việt có ý định khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới cũng ở mức thấp, đạt hơn 24%, kém xa so với với mức trung bình của các nước ở giai đoạn đầu (trung bình là gần 48%).
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, năm 2013, cứ 100 người trưởng thành, chỉ có 4 người thực hiện khởi sự kinh doanh, 12 người đang là chủ sở hữu và quản lý những hoạt động kinh doanh mới (thời gian dưới 3,5 năm), và 16 người hiện là chủ sở hữu và quản lý các hoạt động kinh doanh từ 3,5 năm trở lên.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước cùng trình độ với Việt Nam, lần lượt là 10-12 và 14 người. Như vậy, ở Việt Nam tỷ lệ khởi sự kinh doanh thấp. “Đây có thể là hậu quả từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô và sự suy giảm tăng trưởng trong những năm gần đây”- ông Huân nói.
Báo cáo của GEM cho thấy, trong 12 chỉ số hỗ trợ kinh doanh, ngoài một số yếu tố tích cực như các quy định và chính sách của Chính phủ, sự năng động của thị trường trong nước, văn hóa; còn lại vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho kinh doanh, nhất là hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Theo kết quả điều tra, giáo dục bậc phổ thông (xếp thứ 46/69 nước), sau phổ thông (đứng thứ 50/69), cho thấy thực trạng giảng dạy về kinh doanh ở hai bậc trên của Việt Nam bị tụt hậu nhiều so với thế giới. Hệ thống giáo dục Việt Nam thường đào tạo kỹ năng đọc, viết và tính toán.
Tuy nhiên, các kỹ năng cần thiết để trở thành doanh nhân hay lao động trong nền kinh tế thị trường hiện đại như nhận thức, tư duy, tính sáng tạo, độc lập… hầu như không được khuyến khích ở giáo dục cấp phổ thông lẫn cấp đại học.