Doanh nghiệp Nhà nước:

Chỉ được kinh doanh những gì luật cho phép

Công ty cổ phần cơ điện Trần Phú. Ảnh: Hồng Vĩnh
Công ty cổ phần cơ điện Trần Phú. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Đó là quan điểm của TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong về dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Lỗ hổng pháp lý

Ông từng phát biểu có lỗ hổng pháp lý trong quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cụ thể đó là gì, thưa ông?

Lần đầu tiên chúng ta quản lý khối DNNN bằng Luật DNNN năm 1995. Năm 2005 sau khi làm Luật DN chung thì không quy định riêng về DNNN. Những gì liên quan phần kinh doanh vốn DNNN được điều chỉnh cho tới 1/7/2010. Như vậy, từ 1/7/2010 về nguyên tắc là không có luật điều chỉnh phần vốn kinh doanh của nhà nước.

Thay vào đó, Chính phủ điều hành bằng các nghị định của Chính phủ. Trong cách điều hành như vậy có một lỗ hổng về quyền và trách nhiệm đối với người đại diện vốn của nhà nước.

Đặc biệt việc phân chia trách nhiệm, phân cấp giữa các cơ quan chủ quản không cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, các DNNN tồn tại dưới dạng một số trực thuộc Chính phủ, số còn lại thuộc một số bộ và địa phương. Chúng ta có phân cấp về quản lý nhưng không minh bạch về trách nhiệm.

Sau khi xảy ra vụ Vinashin, tôi đã phát biểu trước Quốc hội là đang có lỗ hổng pháp lý sau khi bỏ Luật DNNN. Lỗ hổng pháp lý dẫn tới lỗ hổng trách nhiệm. Tổng tài sản của DNNN vài chục tỷ USD không thể không có luật.

Vì sao hiện nay chưa phân biệt Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư vào DN và Nhà nước với chức năng quản lý?

Đấy là vấn đề mà luật sắp tới phải làm rõ. Nhà nước đi kinh doanh, là nhà đầu tư thì bình đẳng như mọi người. Nếu Nhà nước với tư cách là người quản lý cần không liên quan gì với việc kinh doanh, để anh phải quản lý mọi thứ. Quản trị DNNN là chuyện nhiều nước đã làm. Do vậy, đây là cơ hội để cải cách toàn diện, căn bản hơn DNNN.

“Trên thị trường, không phân biệt ai kinh doanh, chỉ quan tâm rằng kinh doanh dưới hình thức nào theo đúng pháp luật”.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu
Quốc hội TPHCM

Chúng ta phải đặt vấn đề nguyên tắc về tài sản nhà nước, vốn liếng đi kinh doanh là sở hữu toàn dân. Hiện nay, chưa có luật điều chỉnh nên Chính phủ được xem là đại diện để kinh doanh. Nhưng Chính phủ không thể nào quản lý hằng ngày được, vì vậy mới đưa người đại diện tại chỗ là các hội đồng thành viên, hội đồng quản trị ở những nơi có vốn.

Ở khu vực tư nhân, tôi là cổ đông, là chủ có thuê ai làm đại diện như hội đồng quản trị thì trước khi đi họp hội đồng quản trị, quyết vấn đề gì thì phải hỏi ý kiến tôi. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên hình dung nó như công ty cổ phần có một cổ đông là Chính phủ. Vì vậy DNNN muốn đầu tư dự án lớn, mua bán sáp nhập, chia cổ tức là phải xin ý kiến Chính phủ. Nhưng hiện nay chúng ta không theo trình tự như vậy.

Chỉ được kinh doanh những gì luật cho phép ảnh 1

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu
Quốc hội TPHCM

DNNN chỉ kinh doanh những gì luật cho phép

Theo ông Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN phải điều chỉnh những vấn đề gì?

Dự thảo Luật này phải điều chỉnh các việc quan trọng sau đây. Thứ nhất, không như Luật DN, Luật này cần quy định rõ Nhà nước chỉ được kinh doanh trong các lĩnh vực mà luật cho phép, chứ không phải lĩnh vực mà luật không cấm. Muốn kinh doanh, muốn mở rộng kinh doanh như thế nào phải xin ý kiến Chính phủ. Phải luật hóa các khái niệm như thế nào là “không phải cạnh tranh thị trường, bổ khuyết thị trường, đầu tư mở đường…”.

Thứ hai, Luật phải quy định mối quan hệ giữa Nhà nước là chủ sở hữu với người đại diện của mình có quyền và nghĩa vụ như thế nào. Điều này cực kỳ quan trọng. Còn hình thức DN gì, ví dụ tổ chức dưới hình thức cổ phần, công ty TNHH một thành viên thì được điều chỉnh theo Luật DN, chứ luật này không quy định điều đó, nhưng hiện nay dự thảo luật này lại đang quy định điều đó.

Ở một số nước, một số tập đoàn trước khi đưa ra các quyết định đầu tư phải ra trước Quốc hội để xin. Trên thế giới nhiều tập đoàn kinh tế của Nhà nước, điều lệ của tập đoàn kinh tế là đạo luật. Đây là yêu cầu khi làm Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN phải điều chỉnh các việc trên. Tuy nhiên dự thảo hiện nay không theo hướng đó.

Ông có thể làm rõ hơn khái niệm “xử lý các khuyết tật của thị trường”?

Thị trường là bàn tay vô hình nên luôn luôn có khủng hoảng thừa và thiếu. Nhà nước phải dùng chính sách để dự báo, cảnh báo bằng chính sách để tránh khủng hoảng thừa thiếu là khuyết tật thứ nhất.

Động cơ của DN là lợi nhuận và cạnh tranh, nên cái gì có lợi là làm. Cái gì có lợi cho quốc gia đất nước nhưng không có lợi nhuận về tài chính thì không làm. Vì vậy, Nhà nước phải làm những điều không có lợi về tài chính nhưng có lợi cho quốc gia. Ví dụ đầu tư mở đường, khi tư nhân thấy chưa có triển vọng thì họ không đầu tư, nhưng Nhà nước phải vào cuộc vì nó mở ra cho nhiều ngành khác để phát triển. Đó là hướng chủ đạo của DNNN.

Khuyết tật thứ ba, thị trường là mô hình làm giàu của thiểu số. Vì vậy, những lĩnh vực dịch vụ công, vùng sâu vùng xa không ai đi đầu tư. Nhà nước phải đầu tư vào các định chế công ích. Chính vì lẽ đó chúng ta cần tách biệt hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích của DNNN một cách sòng phẳng.

Không cổ phần hóa lẻ tẻ

Hiện nay chúng ta đang thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, nhưng quá trình cổ phần hóa chậm phải chăng vì vấn đề lợi ích?

Tôi đã thấy xảy ra trường hợp: Những DNNN mà giám đốc giỏi, có năng lực thì muốn cổ phần hóa càng sớm, càng tốt để gỡ cơ chế. Còn nếu nơi nào giám đốc cảm thấy đó là chỗ dựa để kiếm chác thì họ không muốn làm.

Quá trình cổ phần hóa vừa rồi vướng rất nhiều cái, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật. Quan điểm của tôi, khi đã xác định cổ phần hóa thì cổ phần hóa tổng công ty chứ không cổ phần các công ty con. Và Nhà nước mặc dù rút vốn nhưng phải có một kế hoạch sử dụng vốn đó vào mục đích phát triển, không để tản mạn như hiện nay.

Thứ hai, nói cổ phần hóa các tổng công ty thì phải cổ phần hóa nguyên cả tổng công ty, chứ không chỉ làm lẻ tẻ từng đơn vị thành viên. Ví dụ, Tập đoàn Dệt may VN, hoàn toàn có thể đánh giá tập đoàn này để cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn, trong đó, thuê tư vấn độc lập đánh giá, mời đối tác chiến lược, Nhà nước bán bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu, bán theo lộ trình.

Cuối cùng là không tính giá đất vào cổ phần hóa. Nhưng phải điều chỉnh giá thuê đất, không thể giá thuê chênh lệch với thị trường như vậy được. Và có thể tính một chút thương quyền - quyền được thuê đất vào vốn nhà nước. Có thể tính toán ở mức độ mà thị trường chấp nhận và có lộ trình điều chỉnh phù hợp thị trường. Làm như vậy, hoàn toàn có thể cổ phần hóa các tổng công ty rất nhanh.

Chúng ta phải hiểu, DNNN không tĩnh mà động, trong giai đoạn 5 năm, vì “bổ khuyết thị trường” thì làm. Nhưng khi đạt được hiệu quả phải thoái vốn và mở sang việc khác. Ví dụ cách đây 30 năm, tập đoàn thép của Hàn Quốc đầu tư mở đường, sau khi có hiệu quả họ cổ phần hóa, rút vốn để tiếp tục đầu tư mở đường sang lĩnh vực khác. Tức là dòng vốn chuyển động liên tục, chứ không phải “ném đâu chết đó” như hiện nay. Chúng ta phải thay đổi nhận thức bổ khuyết thị trường là vậy.

Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị Luật DN sửa đổi, nhiều người băn khoăn vị thế của DNNN, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhìn sự việc một cách công bằng, không phải tất cả các DNNN đều làm ăn lôm côm. DNNN có nhiều thuận lợi, ưu đãi nhưng có nhiều trói buộc hơn tư nhân. Ví dụ khi phê duyệt dự án, không phải dễ dàng cầm tiền để thực hiện như tư nhân.

Nhưng cái tồn tại là DNNN đi kinh doanh tràn lan, 20 năm nay sắp xếp không xong. Đáng lẽ chúng ta cần giới hạn trong các lĩnh vực như đầu tư mở đường, đầu tư dẫn dắt, các lĩnh vực dịch vụ công... DNNN có vai trò, để giải quyết khuyết tật thị trường, an sinh xã hội. Tuy nhiên không làm đúng vai trò nên bị hiểu sai. Chưa đóng đúng vai nên chưa phát huy đúng vai trò của mình.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG