Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm lợi thế

TP - Doanh nghiệp (DN) nhà nước vẫn chiếm lợi thế; DN ngừng hoạt động tăng cao. Chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh không ổn định dẫn tới kinh doanh kiểu chộp giật... Các chuyên gia cảnh báo trong buổi công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2013 (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI tổ chức), ngày 8/4.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, năm 2013, cả nước có gần 77.000 DN đăng ký thành lập mới, số vốn gần 400.000 tỷ đồng, tăng trên 10% về số DN, nhưng giảm gần 15% về số vốn đăng ký so năm 2012. 


Cũng năm qua, trên 60.700 DN phải giải thể và ngừng hoạt động, tăng lên gần 12% so năm trước đó. Số gặp khó khăn, rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay đã quay trở lại tăng dần theo các tháng trong năm 2013, với tổng số trên 14.400 DN.

Theo bà Hằng, qua nghiên cứu, năng suất lao động đang tăng chậm, hiệu quả đầu tư giảm sút. Nhiều năm qua, xuất khẩu đóng góp phần lớn cho tăng trưởng nền kinh tế, nhưng giá trị gia tăng không cao. So với 10 năm trước, tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu của DN trong nước giảm xuống, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên (trên 61% năm 2013); trong khi đó, đầu tư công chiếm tỷ trọng cao, tiến trình tái cơ cấu nhiều hạn chế, vấn đề nợ xấu... còn chưa xử lý dứt điểm.

“Chúng ta như người chạy cố, sắp hết hơi, cố bật lên nhưng hụt hơi. Cái này thể hiện sự thiếu bền vững trong phát triển DN ở nước ta”- bà Hằng nói.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho hay do chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh không ổn định dẫn tới kinh doanh kiểu cơ hội, chộp giật, không thiết lập chiến lược kinh doanh bền vững. Mặt khác, ở nước ta, dù trên văn bản, chính sách không có sự phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và DN tư nhân, nhưng thực tế, tình trạng trên vẫn diễn ra, nhất là về đất đai, thuế... Theo ông Tuyển, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động rẻ ở nước ta đã vơi cạn.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 5 ngành Việt Nam có thể tập trung đầu tư, phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh là nông nghiệp, dệt may, sản xuất điện tử, dược, phần mềm.

MỚI - NÓNG