Càng đợi, càng lỗ
Buổi sáng cuối tháng 6, mưa rả rích, PV Tiền Phong có mặt ở huyện Bình Tân. Tại xã Mỹ Thuận, ông Nguyễn Văn Hai đang thu hoạch 3 ha, được gần 90 tấn khoai lang tím Nhật chất đống cao ngồn ngộn. Ông Hai ngồi trong lều, nét mặt đầy lo lắng, bên cạnh hơn 50 người đang lom khom nhặt khoai. Ông Hai buồn bã nói: “Thương lái mua chỉ có giá 2,8 triệu đồng/tấn. Năm nay lỗ hơn 258 triệu đồng, chú ơi! Xong vụ này có nước lên Bình Dương trốn nợ quá”. Theo ông Hai, nguyên nhân là thương lái Trung Quốc không mua, ép giá.
Ông Hai trồng khoai lang ở xã Mỹ Thuận cách nhà gần 20 km, đất thuê, mấy năm trước có lãi, không ngờ năm nay giá giảm mạnh, lỗ nặng. Ông Hai kể: “Năm trước, khoai từ khi xuống giống hơn 4 tháng là thương lái tìm đến nhà hỏi mua với giá hơn 8,3 triệu đồng/tấn. Còn năm nay, mới vào vụ thu hoạch, giá đã ở mức thấp, vì thế neo lại hơn 1,5 tháng chờ giá. Tuy nhiên, càng đợi thì giá càng đi xuống và đến nay ruộng khoai đã gần 6 tháng buộc lòng phải bán, kéo dài càng lỗ thêm”. Theo ông Hai, năng suất khoai đạt 30 tấn/ha cao hơn năm ngoái, nhưng giá lại thấp hơn hơn 3 lần. Ông tính toán, chi phí thuê đất, đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, nhân công đã gần 170 triệu đồng/ha mà bán với giá 2,8 triệu đồng/tấn, lỗ 86 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Ngọc Nga ở xã Tân Thành trồng 0,8 ha khoai lang trên đất nhà, đã thu hoạch gần 1 tháng, nhưng vẫn chưa bán được vì không có người mua. Bà Nga nuôi mẹ đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đem theo gần chục ký khoai nấu chín rồi mời những người nuôi bệnh khác cùng phòng ăn. Cầm củ khoai trên tay vừa ăn, bà ứa nước mắt kể: “Vợ chồng tôi bỏ công sức chăm sóc gần 5 tháng trời chỉ mong bán có lãi chút đỉnh để trang trải việc nhà, lo mẹ bệnh nhưng thương lái trả chưa đầy 3 triệu đồng/tấn, nếu thuê nhân công thu hoạch thì lỗ gần 30 triệu đồng nên gia đình tôi tự thu hoạch mỗi ngày 200 - 300 kg để bán lẻ được đồng nào hay đồng đó”.
Vừa thu hoạch xong 0,7 ha khoai và ôm nợ hơn 66 triệu đồng, ông Lê Công Bình ở ấp Tân Vĩnh, xã Tân Lược cho biết, từ đầu vụ đến nay, giá giảm mà đợi hơn 1 tháng thì cũng chỉ bán được giá 2,5 triệu đồng/tấn. “Nợ cũ chưa trả hết không biết lấy vốn đâu mà đầu tư vụ tới. Cứ lẩn quẩn như thế này khó mà thoát nghèo nổi”, ông Bình tâm sự.
Cùng hoàn cảnh với ông Bình, ông Nguyễn Văn Tú (có 20 năm trồng khoai ở xã Tân An Thạnh) rầu rĩ nói: “Tôi chưa từng thấy cảnh khoai lang mất giá như thế này. Mọi năm, thương lái không đòi hỏi đủ điều như năm nay. Cụ thể, năm rồi khoai loại nhất có hình dáng đẹp thương lái đều lấy hết, nhưng năm nay họ lựa kỹ hơn và loại bỏ khoảng 30%. Còn loại 3 giá 83.000 đồng/tấn thì tôi bỏ luôn vì tính ra không đủ tiền thuê nhân công chở về nhà”.
Lỗi tại nông dân?
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Tân Võ Văn Theo cho biết, toàn huyện có 8.740 ha khoai lang. Đến thời điểm này đã thu hoạch được 4.700 ha. Theo ông Theo, giá khoai giảm do quy luật thị trường, khi lên khi xuống, còn nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là chất lượng khoai không đạt yêu cầu. Phòng NN&PTNT đang khuyến cáo nông dân mỗi năm trồng một vụ khoai và chuyển sang trồng lúa, màu để tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh.
Trưởng phòng Theo phân tích, nông dân làm đất không kỹ, không đúng quy trình kỹ thuật và lại trồng dày nên tăng sâu bệnh, dẫn đến ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng thấp. “Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì chi phí không quá 70 triệu đồng/ha, cho dù giá có rẻ như hiện nay, nông dân cũng không đến mức thua lỗ”, ông Theo nói.