Ngày 25/3 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm vụ khiếu kiện của ba gia đình đối với UBND xã Duy Vinh. Bị tòa xử thua, ba hộ dân khóc la ầm ĩ ngay chốn công đường.
Dân kiện xã
Theo đơn kiện do ông Nguyễn Đình Trường và ông Lê Văn Mười (cùng trú tại thôn Hà My, Duy Vinh) đứng đơn kiện UBND xã Duy Vinh, năm 2004, các hộ trúng thầu xây dựng cầu phao Đông Bình với số tiền 450 triệu đồng. Hợp đồng ký giữa UBND xã Duy Vinh với các hộ là 9 năm 3 tháng (kể từ ngày 1/1/2005), các hộ được ưu tiên quản lý 5 năm sau đó để thu phí, nộp ngân sách do xã quy định.
Khi đưa cầu phao vào sử dụng, thấy không phù hợp, không an toàn, các hộ xin xã thay đổi thiết kế từ 2,5 m lên 7,5 m, tu sửa hết 161 triệu đồng, làm cầu dẫn bê tông hết 140 triệu đồng. Các hộ cũng nhiều lần tu sửa cầu bị hư hại do mưa bão. Năm 2012, tu sửa hết 102 triệu đồng, năm 2013 tu sửa hết 300 triệu đồng… Theo các hộ dân, căn cứ mức thu lệ phí qua cầu của tỉnh Quảng Nam, phí qua cầu là 2.000 đồng/lượt đi bộ, 3.000 đồng/lượt xe đạp và 4.000 đồng/lượt xe máy.
Tuy nhiên, UBND xã Duy Vinh buộc họ thu phí qua cầu trong 9 năm là 300 đồng/lượt đi bộ, 500 đồng/lượt xe đạp, 800 đồng/lượt xe máy. Tháng 10/2013, cơn bão số 11 làm hư hại toàn bộ cầu phao. Các hộ dân phải vay mượn để sửa chữa cầu với số tiền 303 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 23/12/2013, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh ra thông báo chấm dứt hợp đồng đã ký với các hộ dân.
Theo các hộ dân, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh đã đơn phương vi phạm hợp đồng. Mặt khác, mỗi năm vào mùa mưa, họ mất 3 tháng do xã lấy đò đưa dân qua sông; trong 6 năm (từ 2008), họ mất 18 tháng không được thu phí qua cầu. Các hộ dân ước tính họ bị thiệt hại 900 triệu đồng.
Ông Trường nói rằng để làm cầu phao, ông cùng hai hộ khác gồm ông Nguyễn Lên và ông Mười phải đi mượn 10 sổ đỏ để vay ngân hàng. Đến nay, họ chỉ mới lấy được 7 sổ đỏ về. Khi bão số 11 làm cầu phao bị hư, 3 hộ dân tiếp tục vay mượn 300 triệu đồng để sửa cầu theo yêu cầu của xã. Nhưng khoảng 15 ngày sau, người dân đắp đập. Đập hoàn thành, cũng là lúc xã ra thông báo chấm dứt hợp đồng.
Tiền đâu mà kiện nữa!
Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên xử kiện, ba hộ dân thua. Họ đâm đơn lên tòa phúc thẩm. Ngày 25/3, tòa phúc thẩm xử, bị xét thua, ba hộ dân cho rằng tòa xử oan, họ không biết lấy đâu tiền để trả nợ. “Chúng tôi là anh em trong một nhà, gia đình ai cũng hoàn cảnh khó khăn. Nợ ngập đầu, giờ không biết lấy đâu tiền trả nợ”, ông Trường nói.
Ông Phan Công Nhanh, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, nói rằng, các hộ dân yêu cầu đền bù 900 triệu đồng là quá lớn; xã thực hiện đúng vì hợp đồng ghi từ 1/1/2005 đến 1/4/2013, là đúng 9 năm 3 tháng. Bão số 11 làm cầu hư hỏng, xã yêu cầu sửa cầu, nhưng các hộ dân không chịu. Người dân đắp đập, các hộ mới sửa cầu phao.
Xã yêu cầu dừng việc sửa chữa để tránh thiệt hại, nhưng họ không chịu. Xã thông báo chấm dứt hợp đồng, đồng thời hỗ trợ các hộ 30 triệu đồng và 6.000 m2 mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nhưng các hộ vẫn không chấp nhận. “Người dân kiện ra tòa thì tòa xử theo luật. Giờ tòa xử thế nào thì làm như thế đó”, ông Nhanh nói.
Tuy nhiên, theo các hộ dân, nếu 1/4/2013 hết hợp đồng thì vì sao đến 15/10/2013, khi bão số 11 đổ bộ vào làm hỏng cầu phao, xã vẫn yêu cầu tu sửa, để rồi sau đó khi dân làng Đông Bình đắp xong đập thì thông báo chấm dứt hợp đồng?
Hỏi ông Trường có tiếp tục khiếu kiện lên tòa tối cao không, ông bùi ngùi: “Giờ chúng tôi không biết thưa kiện thế nào. Riêng xử phúc thẩm, đã mất gần 10 triệu đồng thuê luật sư, thủ tục các loại rồi. Tiền đâu mà kiện nữa. Giờ chỉ mong nơi nào có nhu cầu dùng cầu phao chúng tôi bán lại để trả nợ đang thiếu”.
Ông Trường cho biết, từ khi nhận thông báo chấm dứt hợp đồng, các hộ đã tháo biển thu phí, ngừng thu phí. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn có người đi, chủ yếu là khách du lịch và học sinh, nên vẫn phải cắt cử người canh chừng, thường xuyên tu sửa cầu đề phòng bất trắc.