Đánh thức tiềm năng du lịch bản nghèo
Sinh ra và lớn lên ở Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), Là Văn Phong (SN 1993, giám đốc HTX) tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế của Trường Đại học Tây Bắc năm 2014. Nhận thấy tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thích hợp tổ chức các tour du lịch cộng đồng, Phong cùng những người bạn trong bản: Điêu Đức Trọng, Tòng Văn Sương, Lù Văn Bình (những sinh viên đã tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhau ở Trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên) thành lập nhóm Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai vào cuối năm 2015.
Phong cho biết, từ nhỏ đã thích làm kinh doanh và đi du lịch. Huyện Quỳnh Nhai có vùng hồ thủy điện Sơn La mênh mông với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang thơ mộng. “Khi học đại học, mình có ý tưởng ra trường sẽ phát triển du lịch sinh thái ở lòng hồ thuỷ điện quê nhà. Năm 2016, nhóm góp vốn thành lập HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai để phát triển kinh tế, làm giàu trên thế mạnh sẵn có”, Phong nói.
Nhớ lại những ngày đầu lên ý tưởng thành lập HTX, Phong kể: Nghe con trai nói kinh doanh du lịch ở hồ thủy điện gần nhà, gia đình Phong phản đối quyết liệt. “Các thành viên trong HTX thuộc thế hệ 9x nên để thuyết phục gia đình ủng hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chúng mình phải nhờ thầy giáo chủ nhiệm là Phó Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc tới nhà thuyết phục mới được phụ huynh đồng ý”, Phong nhớ lại.
HTX hiện cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ: Thiết kế tổ chức tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; cho thuê thuyền du lịch lòng hồ, hướng dẫn viên và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Để mở tour du lịch lòng hồ, HTX liên kết với các nhà nghỉ, nhà hàng và nhà dân làm dịch vụ homestay. “Vốn khởi nghiệp của HTX lúc đầu là 20 triệu đồng. Hạn hẹp về kinh tế, nhóm gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức tour, phải thuê thuyền của dân. May mắn hiểu các địa danh, lịch sử, văn hoá địa phương nên các thành viên kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch”, Lù Văn Bình (SN 1992) Phó Giám đốc HTX chia sẻ.
Người trẻ dám nghĩ
Xuất phát từ ý tưởng phải có một sản phẩm nào đó để khách du lịch mang về làm quà, tháng 1/2017 HTX tiến hành thu mua và chế biến cá tép dầu, đây là loại cá sạch có rất nhiều ở vùng lòng hồ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. “HTX thu mua của bà con, làm sạch cá, tẩm ướp gia vị đặc trưng của người Thái rồi phơi khô, đóng túi. HTX đã tiến hành phân phối và bán lẻ cá tép dầu cho nhiều tỉnh khu vực phía bắc với số lượng hơn 800 kg, giá bán 200.000 nghìn đồng/1 kg đã mang lại nguồn thu đáng kể”, Phong khoe.
Kết hợp với du lịch, chế biến cá tép dầu khô, HTX hiện đang nuôi 44 lồng cá lăng, trắm, chép, trê với hình thức hữu cơ, đảm bảo cá sạch, an toàn, tạo nguồn thực phẩm phục vụ du khách tại các tour du lịch, làm quà cho khách... HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 8 thành viên HTX; HTX góp vốn mua được 2 chiếc thuyền mới tạo việc làm thường xuyên cho 2 lái thuyền và 5 công nhân sơ chế cá tép dầu...
Chia sẻ về dự định phát triển HTX, Phong bật mí: Phát huy những kết quả đạt được, HTX tiếp tục chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức tour du lịch lòng hồ. Xây dựng mô hình lồng cá xen lẫn mô hình nhà nổi, gồm: nhà ăn, nhà nghỉ, nhà trưng bày trên nước. Ngoài ra, HTX mong muốn mở rộng thị trường cá tép dầu tới các tỉnh trong cả nước.
Ông Ngần Văn Đưa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai, Sơn La) cho biết: Nếu tính từ chân đập thủy điện Sơn La lên đến thủy điện Lai Châu dài 175 km, vùng lòng hồ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có chiều dài khoảng 72 km, nơi rộng nhất gần 10 km, có tiềm năng lớn về nuôi trồng đánh bắt thủy sản và phát triển du lịch lòng hồ. Việc khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đã mang lại những kết quả tích cực.
“Việc khai thác tiềm năng du lịch, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản theo hình thức tập thể, liên kết cùng phát triển sẽ góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn mới ở các bản vùng cao”.
Anh Vàng A LẢ, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La chia sẻ