Người thầy mở trường dạy học sinh cá biệt

Phụ huynh học sinh chúc mừng thầy Nguyễn Tùng Lâm nhân ngày 20/11
Phụ huynh học sinh chúc mừng thầy Nguyễn Tùng Lâm nhân ngày 20/11
TP - Năm 1989 thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm thành lập ngôi trường dân lập dạy những học sinh cá biệt đầu tiên tại Hà Nội. 27 năm qua, thầy cô giáo của trường đã tìm tòi phương pháp dạy dỗ, dìu dắt hàng nghìn học sinh trưởng thành...

Mô hình giáo dục đặc biệt

Sinh năm 1943, đến nay thầy Nguyễn Tùng Lâm đã có hơn nửa đời người gắn bó với sự nghiệp trồng người. Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm, chàng trai trẻ về dạy học tại Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội. Sau này khi lên làm Hiệu phó rồi cán bộ Sở GD&ĐT Hà Nội, ông trăn trở bởi những đứa trẻ chưa ngoan, phạm lỗi bị các trường kỷ luật đuổi học. Với quan điểm: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”, ông trình bày ý tưởng thành lập mô hình giáo dục đặc biệt với lãnh đạo TP Hà Nội và được sự ủng hộ.

Năm 1989, Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng ra đời với sứ mệnh đón nhận bất cứ học sinh cá tính, phạm lỗi ở bất kỳ trường nào về đào tạo. Ông lý giải, có niềm tin vào việc mình sẽ làm, nên khi lựa chọn tên trường ông cũng lấy tên một vị vua trưởng thành từ một đứa trẻ chăn trâu nghịch ngợm. Với ý nghĩa, tuổi trẻ, học sinh có thể mắc sai lầm nhưng phải có biện pháp giáo dục chứ không thể vứt bỏ.

Từ một cơ sở đi thuê với 100 học sinh năm đầu tiên đến nay, trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã có hàng nghìn học sinh đăng ký vào học. Có năm, lượng học sinh lên tới 2.000 em. Trường chấp nhận nhiều đối tượng học sinh như không đủ kiến thức cơ bản, không có thói quen tự học, không làm chủ bản thân, có cá tính mạnh! Niềm tự hào của thầy Lâm là từ khi trường thành lập đến nay, chưa ký quyết định đuổi học một học sinh nào! Thầy Nguyễn Tùng Lâm kể, học sinh bị đuổi học ở các trường, học sinh có nguy cơ dính vào tệ nạn xã hội, học sinh trượt các trường công với điểm thấp thầy đều không từ chối bất kỳ ai. Khi vào trường, ban đầu nhiều em rất bướng. Có em văng thề, chửi tục với giáo viên. Có em đốt pháo đến hỏng bục giảng nhà trường, có em gây gổ để đánh nhau, nhiều em thường xuyên trốn học.

Trong số đó, có một em khiến thầy Lâm nhớ mãi. Đó là cậu học trò sinh ra trong gia đình rất nghèo. Bố mất sớm, mẹ làm nghề bán nước nhưng cậu lêu lổng, chơi bời. Cô giáo chủ nhiệm dẫn cậu xuống phòng hiệu trưởng gặp thầy Lâm. Sau khi trò chuyện, thầy khuyên cậu về suy nghĩ lại không phải vì thầy mà vì chính người mẹ đang tảo tần sớm hôm. Hôm sau, thầy và cô giáo chủ nhiệm choáng váng vì cậu trò này mang một cái lọ thủy tinh có chứa một đốt ngón tay của chính cậu đã chặt đứt và bảo: “Em sẽ thay đổi để làm người”. “Từ một học sinh học yếu kém, ngỗ ngược, một năm rưỡi sau đó, cậu đã thay đổi ngoạn mục, cùng lúc đỗ hai trường đại học. Nay cậu ấy đã là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất giày dép”, thầy Lâm kể.

Trường đầu tiên ở Hà Nội có phòng tư vấn tâm lý

Ai cũng tò mò muốn biết bằng công thức nào thầy Lâm có thể cảm hóa được những đứa trẻ ngỗ ngược? Thầy đáp, công thức rất đơn giản, đó là phải tôn trọng và tin tưởng học sinh. Thầy Lâm nói: “Nhiều trường hiện mới chỉ chú trọng dạy văn hóa, khi học sinh chẳng may phạm lỗi, giáo viên gán cho em đó cái nhãn học sinh hư. Khi về trường Đinh Tiên Hoàng, bài học đầu tiên thầy nói với học sinh: “Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Tuổi mới lớn, các em ai cũng muốn khẳng định cá tính của mình, không tránh khỏi vấp váp, sai lầm. Điều quan trọng là các em có chịu nhận ra lỗi lầm, tự chịu trách nhiệm để làm lại hay không”.

Có niềm tin là thế nhưng khi bắt tay vào làm mới ngấm bao khó khăn. Dạy trẻ cá tính phải lựa được giáo viên tâm huyết, yêu thương và tôn trọng trẻ, nên chật vật nhất là khâu tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Có giáo viên đến trường nhận việc được 3 ngày đã gặp thầy xin thôi việc vì không trụ được. Cũng có người tâm huyết, thương thầy, thương trò nên gắn bó từ đó đến nay. Riêng thầy Lâm, từ một giáo viên dạy Văn đã đi đăng ký học thạc sĩ rồi tiến sỹ chuyên ngành tâm lý học để hiểu và có phương pháp đào tạo học sinh. Khi có chuyên môn, mỗi năm ông mở ra nhiều lớp tập huấn, đào tạo lại giáo viên với nhiều chuyên đề như: Trao đổi kinh nghiệm chủ nhiệm lớp, Tâm sinh lý lứa tuổi thanh niên HS; Cách đánh giá hiệu quả; Khen chê HS như thế nào?; Kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ; Huấn luyện cho HS cách tự học…

Thời điểm trường có đông học sinh nhất là 2.000 em, cũng có lúc dưới 1.000. Năm 2001, Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường đầu tiên của Hà Nội thành lập phòng tư vấn tâm lý và hướng nghiệp. Dù nhiều hay ít học sinh, thầy Lâm luôn duy trì khoảng 4 chuyên gia tư vấn tâm lý sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ. Cán bộ tâm lý luôn tìm cách nắm bắt vấn đề và tự tìm đến học sinh. Ngoài các buổi học tập, trường thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tặng quà trẻ khuyết tật, đi lao động công ích để học sinh nhận ra giá trị sống. Tiếng lành đồn xa, sau 27 năm thành lập, giờ đây ngôi trường nép mình khiêm tốn ở 67 Phó Đức Chính, Ba Đình (Hà Nội) không chỉ là nơi cảm hóa trẻ ngỗ ngược mà còn là địa chỉ hội tụ của nhiều học sinh ngoan.

Thầy Lâm tâm sự, đối tượng học sinh của mình đa số con nhà có hoàn cảnh khó khăn. Từ thời mới thành lập, mức học phí chỉ 5-7.000 đồng/học sinh. Đến nay khi các trường đã thu học phí cao thì trường vẫn chỉ thu đủ chi. Hoạt động như một mô hình giáo dục đặc biệt nhưng từ khi thành lập đến nay trường không nhận được sự hỗ trợ nào về mặt kinh phí.

Theo thống kê năm học 2013-2014, trong tổng số học sinh vào trường Đinh Tiên Hoàng, có 70% học sinh gặp khó khăn về học tập, 12,5% gặp khó khăn các vấn đề gia đình và xã hội; 9,8% khó khăn vấn đề tâm lý và 9,8% học sinh gặp vấn đề giới tính…

MỚI - NÓNG