Người thầy góp phần cứu trò khỏi án oan

Ông Nguyễn Thận và cụ Huỳnh Văn Truyện trong lần ra Hà Nội kêu oan cho ông Nén năm 2013. Ảnh: Huỳnh Trung Nghĩa.
Ông Nguyễn Thận và cụ Huỳnh Văn Truyện trong lần ra Hà Nội kêu oan cho ông Nén năm 2013. Ảnh: Huỳnh Trung Nghĩa.
TP - Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), từng là thầy giáo của hai bị can trong vụ án vườn điều và của ông Huỳnh Văn Nén. Ông đã rất kiên trì, quyết liệt, chấp nhận bị ảnh hưởng cả sinh mạng chính trị để cứu giúp học trò.

20 năm vì sự nghiệp giáo dục

Tốt nghiệp trung cấp sư phạm, ông Nguyễn Thận dạy học từ năm 1976. Năm 1979 ông được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường TH Tân Minh, sau này là trường cấp 1-2 Tân Minh khi mới 21 tuổi. Hồi đó vừa qua chiến tranh, Tân Minh nhiều dân lưu tán, học trò đi học khi đã lớn tuổi, như học trò Huỳnh Văn Nén sinh năm 1962, chỉ thua thầy Thận 6 tuổi. Hai em vợ ông Nén là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Thị Tiến, bị tù oan trong vụ án vườn điều cũng là học trò của thầy Nguyễn Thận. Năm 1983 ông Thận được bầu làm ủy viên thư ký UBND xã Tân Minh, sau đó làm Trưởng công an xã, Chủ tịch UBND xã… Khi đó xã Tân Minh quá rộng, ông Chủ tịch Nguyễn Thận đã chỉ đạo xây nhiều điểm trường. 

Xã Tân Minh có gần 18.000 dân, nhưng hằng năm chỉ có khoảng trên 30 học sinh học lên lớp 10, vì trường PTTH ở thị trấn La Gi (nay là thị xã La Gi), cách xã Tân Minh hơn 30km. Làm sao có được trường PTTH tại xã, để bớt gánh nặng chi phí đi lại, ăn ở cho học sinh xã nghèo Tân Minh, cho nhiều cháu được học lên cao? Năm 1995, ông Thận vận động được Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an (Z.30, đóng trên địa bàn Tân Minh) tài trợ xây trường. Có đơn vị lo cơ sở vật chất rồi, nhân một dịp được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, ông Thận đề nghị bà có ý kiến với UBND tỉnh Bình Thuận về việc mở trường THPT ở Tân Minh. Trường học được xây dựng trên khu đất 5ha xã đã dành sẵn, hoàn thành vào tháng 1/1996 và được đặt tên là trường THPT Đức Tân (ghép từ tên Trại Thủ Đức và xã Tân Minh). Năm 1996, ông Nguyễn Thận được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục.

Bệnh nặng vẫn đi cứu trò

Ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giam do bị nghi đã giết bà Lê Thị Bông đêm 23/4/1998. Tháng 12/1998, ông Nén và lần lượt 9 người trong gia đình bên vợ ông bị khởi tố do bị nghi đã giết bà Dương Thị Mỹ tại một vườn điều ở thôn 2, Tân Minh đêm 18/5/1993. Ngày 20/11/1999, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận ra kết luận điều tra vụ án vườn điều (KLĐT). Khi đó, ông Thận vừa bị TNGT (ngày 19/11/1999) với hậu quả nứt sọ, xuất huyết lưới nhện vỏ não, gãy xương quai hàm và xương đòn (trái)… Tuy sức khỏe rất kém, nhưng khi đọc KLĐT thấy kém thuyết phục, ngay trên giường bệnh ông đã giúp người thân các bị can làm đơn khiếu nại, kêu cứu cho họ. Tháng 9/2000, được tin Nguyễn Phúc Thành tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt mới là thủ phạm giết bà Bông, ông Thận liền xác minh sơ bộ rồi làm báo cáo gửi tỉnh Bình Thuận và Trung ương, đề nghị làm rõ.  

Cám cảnh những đứa trẻ lăn lóc ngoài đời, ông Thận và nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã liên hệ với Làng trẻ em SOS Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh), đưa được 3 con ông Nén và 5 con nhỏ của 3 người kia vào Làng.

Tháng 11/2000 toàn bộ 15 ha mía giống của gia đình ông Thận bỗng nhiên bị cháy sạch, rồi truyền đơn được rải khắp 17km QL1 qua xã Tân Minh, phao rằng Nguyễn Thận có cha làm quận trưởng chế độ Sài Gòn tại tỉnh Quảng Trị, bị cách mạng xử tử năm 1972... Nguyễn Thận bị thanh tra về quản lý tài chính rồi chuyển sang điều tra, kéo dài đến tháng 2/2004 mới có kết luận ông không tham ô, không khai gian lý lịch. 

Trong hoàn cảnh như vậy, ông vẫn vừa chu đáo cung cấp cho các nhà báo tài liệu liên quan đến hai vụ án, vừa tận tâm hỗ trợ các bị can và người thân của họ giải oan. Tháng 4/2002, sau khi bản án sơ thẩm (lần 1) vụ án vườn điều bị tuyên hủy để điều tra lại, LS Phạm Thị Kim Anh (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) không thể tiếp tục bào chữa cho các bị cáo do một hoàn cảnh đặc biệt. Lúc đó, ông Thận bắt đầu suy kiệt về tài chính lẫn sức khỏe, lại đang bị điều tra, nhưng ông vẫn liên hệ được với LS Phạm Hồng Hải và LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội, thuyết phục họ bào chữa miễn phí cho các bị can vụ án vườn điều.

Trong vụ án vườn điều, có ba anh, em ruột của bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén bị bắt giam, có người vợ vừa qua đời trước khi bị bắt, có người bị vợ, chồng bỏ sau khi bị bắt. Tám đứa con của họ mới trên dưới 10 tuổi lâm cảnh bơ vơ không cha không mẹ. Ba đứa con của ông Nén còn có mẹ ở nhà, nhưng bà Cẩm cũng bị khởi tố, đi làm thuê không đủ nuôi con.

Trên báo Tiền Phong số ra ngày 27/2/2002, phóng viên Hồ Việt Khuê từng kể chuyện ba đứa con ông Nén thường phải ôm nhau ngủ để quên đói, có lần đứa này ngủ mơ được ăn, cắn vào tay đứa kia… Cám cảnh những đứa trẻ lăn lóc ngoài đời, ông Thận và nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã liên hệ với Làng trẻ em SOS Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh), đưa được 3 con ông Nén và 5 con nhỏ của 3 người kia vào Làng. 

Năm 2006, sau khi vụ án vườn điều được khẳng định là án oan, ông Nguyễn Thận cùng nhóm nhà báo chúng tôi và các LS gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền ở Trung ương, kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén. Năm 2007, ông Thận cùng cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén và anh Huỳnh Trung Nghĩa, anh rể ông Nén mang đơn kêu oan ra Hà Nội. Nhưng các kiến nghị, đơn kêu oan bị bỏ qua. Ông Nguyễn Thận động viên cụ Truyện kiên trì kêu oan.

Tháng 11/2013, dư luận chấn động với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, cụ Truyện từ Cà Mau ra Tân Minh, nhờ ông Thận cùng đi ra Hà Nội lần cuối cùng. Lúc đó, ông Thận đang nghỉ dưỡng bệnh sau cơn nhồi máu cơ tim vì xơ vữa động mạch vành, vả lại ông đang là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Hàm Tân, đi mà không báo cáo với tổ chức là vi phạm quy chế làm việc, báo cáo thì chắc chắn không được đi. Cụ Truyện vừa nói vừa chảy nước mắt: “Nếu chú không đi được thì không bao giờ tôi có thể cứu thằng Nén”. Ông Thận lại soạn đơn kiến nghị, lên đường.

MỚI - NÓNG