Nỗ lực vượt khó
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, một số chỉ tiêu về triển khai chính sách BHXH năm 2020 không đạt cao bằng năm 2019, do kế hoạch được xây dựng cuối năm 2019 - khi chưa có dịch COVID-19. Bước vào năm 2020, dịch bùng phát ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó có chỉ tiêu thu và tốc độ phát triển BHXH không cao bằng năm 2019. Thông tin trên được ông Mạnh đưa ra tại phiên họp lần 2 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng quỹ BHXH năm 2020 do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây.
Dù khó khăn bởi dịch bệnh như vậy, nhưng theo ông Mạnh, ngành BHXH đã hoàn thành mọi chỉ tiêu được giao, nhất là chỉ tiêu BHXH tự nguyện năm 2020 tăng gấp đôi năm 2019. “Đó là nỗ lực rất lớn của ngành BHXH, đặc biệt khi việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện không thể tới tận nơi để phòng chống lây lan dịch bệnh. Thay vào đó, nhân viên BHXH và các đại lý thu đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hội nghị trực tuyến...”, ông Mạnh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Mạnh, những năm qua, BHXH Việt Nam được đánh giá cao về công tác ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều kết quả tích cực; Cơ sở dữ liệu về BHXH ngày càng hoàn thiện đã tạo thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT.
Cũng theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, từ tháng 6/2016, cơ quan BHXH được thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, qua đó đã kéo giảm tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, nhiều đơn vị chây ỳ, nợ đóng BHXH, nhưng giai đoạn từ 2016 tới nay qua thanh tra của BHXH Việt Nam số tiền nợ đã được khắc phục hơn 8.956 tỷ đồng (đương đương 70% số tiền nợ của các đơn vị được thanh tra).
“Hoạt động thanh kiểm tra, đặc biệt thanh tra chuyên ngành đóng BHXH dù giảm số cuộc, rút ngắn thời gian, nhưng chất lượng thanh tra tăng lên. Qua đó mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người lao động và doanh nghiệp về BHXH”, ông Mạnh nói thêm.
Số người tham gia BHXH vẫn tăng
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong năm 2020, dù dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng (đặc biệt với BHXH tự nguyện).
Cụ thể, tới hết năm 2020, cả nước có trên 16,1 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 414.000 người so với năm 2019. Trong đó, có trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng tới hơn 101% so với năm 2019. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH bắt buộc lại giảm 150.000 người so với năm 2019 (đạt trên 15 triệu người). Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc giảm do dịch bệnh khiến tỷ lệ người mất việc làm tăng.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm vừa qua, tình trạng nợ BHXH vẫn tăng. Cụ thể, tới hết năm 2020, tổng số nợ BHXH hơn 12.000 tỷ đồng, tăng trên 2.000 tỷ đồng so với năm 2019 và chiếm 4,4% số phải thu. Trong đó, số chậm đóng khó thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng; chậm đóng dưới 6 tháng chiếm 21%, chậm đóng từ 3 năm trở lên chiếm 33%, lãi chậm đóng chiếm 24%...
Tại phiên thẩm tra, các đại biểu cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định các hành vi gian lận, trục lợi BHXH. Tuy nhiên, đến nay số vụ việc cần khởi tố còn rất ít, chủ yếu về tội gian lận BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, trong khi tội gian lận BHYT, trốn đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp chưa có vụ nào. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo xử lý nghiêm những đơn vị nợ BHXH để hạn chế tình trạng này.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện thanh tra về BHXH với hơn 200 doanh nghiệp tại 14 tỉnh thành về BHXH, đây là một trong các giải pháp để xử lý nợ đọng BHXH.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020, số người tham gia tiếp tục giữ tăng. Tới cuối tháng 12/2021, cả nước có hơn 16,1 triệu người tham gia BHXH (chiếm 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng hơn 414.000 người so với năm 2019. Trong đó, BHXH tự nguyện có hơn 1,12 triệu người tham gia, tăng 101,6% so với năm 2019 và tăng 184 lần so với năm 2008 (chiếm 2,28% lực lượng lao động, vượt mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra).