Người tái tạo niềm tin

Sinh viên hưởng ứng nhiệt tình cuộc thi “Im lặng hay lên tiếng” vì một nền giáo dục sạch do CLB FACE tổ chức. Ảnh: Ngọc Minh
Sinh viên hưởng ứng nhiệt tình cuộc thi “Im lặng hay lên tiếng” vì một nền giáo dục sạch do CLB FACE tổ chức. Ảnh: Ngọc Minh
TP - Định hướng sinh viên không chịu thỏa hiệp trước những tiêu cực xảy ra trong giáo dục hiện nay, CLB FACE- Vì một nền giáo dục sạch của Đại học Hoa Sen ra đời thu hút sự quan tâm của sinh viên khu vực TPHCM. Tiến sỹ Phạm Quốc Lộc, chủ nhiệm CLB cho biết, bạn trẻ đang góp phần tạo ra một nền giáo dục minh bạch.

Được biết CLB FACE đang nổi đình đám trong cộng đồng sinh viên khu vực phía Nam, anh có thể chia sẻ về hoạt động của FACE?

 
CLB thành lập năm 2010, tôn chỉ là góp phần “tái tạo niềm tin” vào một nền giáo dục không tiêu cực, không tham nhũng, để giáo dục Việt Nam sớm được hội nhập với thế giới. FACE là viết tắt của For A Clean Education - Vì một nền giáo dục sạch.

Lý do quan trọng nhất để chúng tôi thành lập CLB FACE là hiện trạng giáo dục còn có tiêu cực ở nhiều cấp học. Chúng tôi không muốn những hành vi sai trái trong giáo dục tiếp tục phổ biến, những chuẩn mực, những giá trị dần bị trở thành ngoại lệ, dị biệt.

Điều vui mừng là một CLB nghe vừa khó vừa khô lại nhận được sự hưởng ứng tham gia từ sinh viên. Chúng tôi tuyển nhân sự là sinh viên để tham gia CLB và chạy các chương trình cổ vũ giá trị liêm chính, minh bạch, trung thực trong giáo dục. Sinh viên trong và ngoài trường ứng tuyển sôi nổi. 

Năm 2013, tại một sự kiện của FACE phối hợp với Đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM thu hút hơn 400 sinh viên tham dự. Các bạn đến để hiểu rõ hơn về vấn đề đạo văn, cách phòng tránh nó cũng như vì sao cần bảo vệ sự trung thực trong học tập. 

FACE hướng đến một nền giáo dục sạch, có nghĩa là giáo dục hiện nay chưa sạch? Liệu sinh viên có góp phần làm giáo dục sạch được không? Nếu có thì bằng cách nào?

Người tái tạo niềm tin ảnh 1 Tiến sỹ Phạm Quốc Lộc

Gian lận trong thi cử, “đi thầy”, đạo văn, mua bằng bán điểm... là một số ví dụ về những vấn nạn trong giáo dục của ta. Riêng với đạo văn, sao chép ý và câu văn người khác, mà chủ yếu là từ internet trong sinh viên đã gần như phổ biến. Khi chúng tôi khởi động những hoạt động để tuyên truyền cách phòng tránh và chống đạo văn thì đa số các bạn sinh viên khá bỡ ngỡ về các khái niệm này. Đạo văn do vậy vừa phổ biến mà vừa có một sự “ngây thơ” từ phía sinh viên.

Thế hệ trẻ năng động, tiếp thu nhanh, biết dấn thân khi cần thiết. Nếu những thay đổi chỉ được tạo ra từ trên xuống bằng quy trình, quy định... mà thiếu sự thấu hiểu, đồng cảm của thế hệ trẻ thì khó thay đổi trọn vẹn và tích cực. Đối với tôi, sinh viên là tác nhân quan trọng trong tái tạo niềm tin vào một nền giáo dục sạch. Nếu họ nhận ra vấn đề, không lên án cái xấu, thì đó là vấn đề các thế hệ đi trước không thể làm ngơ.

Lên tiếng tạo sự thay đổi

"Im lặng hay lên tiếng" là chủ đề rất gợi. Có phải còn nhiều sinh viên im lặng, chấp nhận sống chung với tiêu cực? Cùng với việc lên tiếng, các bạn làm gì để thay đổi thực tế này, thưa anh?

Đúng vậy, nhiều người chọn cách im lặng. Có nhiều lý do để họ im lặng: Áp lực từ cái xấu, không được lợi gì khi lên tiếng, mà thậm chí “thực thà thì sẽ thua thiệt” như người ta vẫn nói. 

Với tôi, cái quan trọng nhất khiến người ta im lặng là sự thiếu hay mất niềm tin. Niềm tin vào sức mạnh và tính chân lý của các giá trị đúng đắn, niềm tin vào tổ chức, vào cộng đồng, vào xã hội, vào những người xung quanh. 

Họ không tin lên tiếng sẽ tạo ra thay đổi, sẽ được bảo vệ, họ không tin người đối diện sẽ chia sẻ giá trị với mình, họ không tin mình sẽ có người cùng dấn thân và lên tiếng với mình để tiếng nói có sức mạnh, họ không tin mình có thể thành công bằng con đường chính nghĩa. 

Đó cũng chính là lý do mà câu nói tôn chỉ của CLB FACE là “tái tạo niềm tin”. Cùng lên tiếng để tái tạo niềm tin, niềm tin để nhiều người hơn cùng lên tiếng để tạo sự thay đổi.

“Thế hệ trẻ hiện nay rất năng động, mọi thay đổi về giá trị nếu muốn đều phải xuất phát từ họ. Họ vừa là tác nhân tạo thay đổi vừa là người thụ hưởng giá trị của những thay đổi đó. Họ có thể thay đổi tất cả bằng cách họ lên tiếng, phê phán cái xấu và đòi hỏi cái tốt đẹp, cái đúng đắn. Muốn phê phán và muốn đòi hỏi thì họ phải hiểu vấn đề. CLB FACE đã đi theo các bước như vậy: hiểu, thấu hiểu, đồng cảm, dấn thân, lên tiếng để phê phán cái xấu và đòi hỏi cái đúng đắn”.

 Tiến sỹ Phạm Quốc Lộc

Cuộc thi tìm kiếm những thông điệp vì một nền giáo dục sạch đã để lại dấu ấn thế nào trong sinh viên và cá nhân anh?

Cuộc thi thu hút được hơn một trăm tác phẩm dự thi của sinh viên Hà Nội và TPHCM. Các tác phẩm đã góp phần tạo cho tôi một niềm tin về thế hệ trẻ hôm nay. 

Có những tác phẩm thể hiện một sự dấn thân sâu sắc của các bạn đối với những giá trị liêm chính mà CLB cổ vũ. Họ mang kỹ năng, sức trẻ, thời gian và thậm chí tiền bạc vào tác phẩm của mình. Tôi thấy ở rất nhiều tác phẩm những tấm lòng, khi tha thiết, khi trăn trở, khi bức xúc, khi quả quyết, khi gợi mở suy nghĩ. Tất cả đều thể hiện một sự dấn thân rất đáng trân trọng. 

Tôi ấn tượng tác phẩm video clip đoạt giải nhất cuộc thi của nhóm Love Team mang tên “Tình yêu không có chỗ”. Câu chuyện kể về tình yêu học trò nhẹ nhàng, lãng mạn, để rồi bỗng nhiên được đẩy lên đỉnh điểm bằng một sự từ chối dứt khoát khi bạn trai không cho bạn gái xem bài vì tình yêu và sự trung thực là hai vấn đề khác nhau. 

Đó là sự từ chối thỏa hiệp cái xấu, bất chấp những mối quan hệ. Câu chuyện được “kể” bằng diễn xuất hồn nhiên, tinh tế, nhẹ nhàng nhưng ấn tượng sâu đậm, đúng nhất và bền nhất. Tôi tin tác phẩm sẽ là một công cụ truyền thông hiệu quả đến với các bạn trẻ, nhất là các bạn học sinh phổ thông. 

Cảm ơn anh!

Tiến sỹ Phạm Quốc Lộc (sinh năm 1976) hiện là Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học trường Đại học Hoa Sen. Anh từng tốt nghiệp Á khoa, khoa Ngữ Anh văn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TPHCM). 

Anh giành học bổng fullbright của Mỹ đi học Thạc sỹ tại Đại học Massachusetts Amherst, sau đó ở lại trường làm trợ giảng và nghiên cứu làm Tiến sỹ chuyên ngành Văn học so sánh.

MỚI - NÓNG