Ngày 1/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp bị hoại tử vùng kín hiếm gặp.
Bệnh nhân là bà L.T.T (54 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng đau nhức, sưng nề vùng môi lớn bên phải. Theo bệnh sử, khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bà T đã phải chịu đựng những cơn đau nhức lan rộng từ vùng hông đến vùng kín bên phải, tình trạng ngày càng nặng.
Tại bệnh viện, qua siêu âm, chụp CT, các bác sĩ phát hiện khối sưng nề vùng môi lớn bên phải đã lan lên thành bụng trước, vùng hông phải, lan rộng xuống cạnh hậu môn bên phải. Qua hình ảnh kiểm tra và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị hoại tử Fournier tầng sinh môn trên nền bệnh đái tháo đường type 2 kiểm soát kém.
Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật xử lý triệt để ổ nhiễm trùng, hoại tử lan rộng ra nhiều vùng trên cơ thể bệnh nhân |
BS-CKII Vũ Ngọc Lâm, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Xuyên Á cho biết, ngoài tình trạng nhiễm trùng, hoại tử khiến vết thương có dịch hôi, bệnh nhân còn bị tăng sinh mạch máu và có nhiều hạch viêm ở vùng bẹn bên phải.
“Chúng tôi tiến hành hội chẩn và xác định đây thực sự là những triệu chứng của hoại tử Fournier. Bệnh nhân cần nhanh chóng phẫu thuật rạch áp xe và cắt lọc mô hoại tử để tránh nguy hiểm tính mạng” – BS Lâm nói.
Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp bác sĩ đã xử lý thành công ổ hoại tử lan rộng và sâu từ tầng sinh môn lên các bộ phận gồm: thành bụng trước, hông phải, hố ngồi trực tràng và lan sâu lên các lớp cơ chéo bụng ngoài. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, điều chỉnh đường huyết. Sau hơn ba tuần được chăm sóc, điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt, đủ điều kiện xuất viện.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt |
Theo BS Vũ Ngọc Lâm, tại Việt Nam, căn bệnh hoại tử Fournier vẫn còn ít người biết. Fournier là một bệnh nhiễm trùng nặng, có đặc điểm gây hoại tử lan rộng từ tổ chức dưới da và lớp cận vùng tầng sinh môn và sinh dục. Người lớn tuổi, mắc các bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mạn, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ cao mắc Fournier.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo cộng đồng trong trường hợp cơ thể có tình trạng nhiễm trùng cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Những trường hợp mắc Fournier nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm, bệnh nhân sẽ nhiễm trùng máu, sốc, suy đa tạng,có thể dẫn đến tử vong.