Đó là trường hợp của ông B.X.B (51 tuổi, ngụ tại tỉnh Bến Tre) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM. Ngày 27/3, TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A cho biết, đây là trường hợp bẩm sinh chỉ có duy nhất 1 quả thận (người bình thường có 2 quả thận). Tuy nhiên, quả thận độc nhất của bệnh nhân lại phát triển khối bướu dạng ung thư khiến người bệnh rơi vào tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ.
Qua siêu âm chẩn đoán, các bác sĩ xác định người bệnh có bướu ở 1/3 giữa mặt trước thận (kích thước khoảng 2cm x 2cm). Nếu không được can thiệp, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong. Vì vậy các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật nội soi để cắt khối bướu, bảo tồn phần thận lành cho người bệnh.
Sau phẫu thuật loại bỏ khối bướu, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt |
Sau hơn 2 giờ khẩn trương, các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật nội soi cắt trọn khối bướu, giữ nguyên vỏ bao và vùng thận cho bệnh nhân. Một tuần sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt, ăn uống ngon miệng, đủ điều kiện xuất viện.
Theo TS.BS Phạm Phú Phát, thận độc nhất là tình trạng người sinh ra chỉ có một bên thận. Tỷ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1.000 người và nam giới thường gặp hơn nữ giới. Thận độc nhất vẫn hoạt động tăng cường và thực hiện khoảng 75% chức năng so với hai quả thận.
Bác sĩ cho biết, hầu hết những người có thận độc nhất vẫn sống trọn đời như những người có đầy đủ hai thận. Tuy nhiên, khi có các vấn đề như chấn thương, ung thư thận thì những người có thận độc nhất sẽ đối mặt với nguy cơ mất hoàn toàn chức năng thận.
Các bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động đi thăm khám sức khỏe hàng năm để phát hiện sớm những bất thường của cơ thể. Những trường hợp chỉ có thận độc nhất cần chú ý xây dựng lối sống và dinh dưỡng lành mạnh, sinh hoạt điều độ, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe như bướu thận, suy thận để được điều trị kịp thời.