Người mới triệu like

“Người lạ ơi” sau khi phát hành không lâu đã đi thẳng từ sân khấu ra đời thường với hàng loạt sản phẩm và phong trào ăn theo.
“Người lạ ơi” sau khi phát hành không lâu đã đi thẳng từ sân khấu ra đời thường với hàng loạt sản phẩm và phong trào ăn theo.
TP - Trong chưa đầy ba tháng, trên các bảng xếp hạng giải trí, những cái tên “mới toe” lần lượt chiếm lĩnh thị trường cả trong lĩnh vực âm nhạc và sách. Các chiến lược quảng cáo lấy tên tác giả làm bảo đảm không còn áp dụng được. Khán, độc giả bắt đầu cho thấy sự “khó lường” của họ trong tất cả những bầu chọn.

Hiện tượng lạ trong âm nhạc

Trong âm nhạc Việt, các kết quả bình chọn cho thấy rõ xu thế “không biết đường nào mà lần”. Những cái tên như Xesi, Châu Đăng Khoa, Karik, Orange, K-ICM, Đạt M, Masew… gần như lần đầu xuất hiện trong làng nhạc Việt. Các ca khúc “Người lạ ơi”, “Buồn của anh”, “Túy âm”v.v… hầu hết đi theo dòng nhạc undergrownd thay phiên nhau đứng ở vị trí nhất nhì trong các bảng phong thần “được nghe và tìm kiếm nhiều nhất”. Trong khi, từ đầu năm, trong các bảng xếp hạng âm nhạc Âu Mỹ, những Alan Walker và Selena Gomez vẫn lần lượt có mặt trong top năm chứng tỏ bản lĩnh trụ hạng của sao và sự ổn định trong gu nghe của khán giả.

Chỉ vài tháng trước đó, các hit đình đám của nhạc Việt vẫn thuộc về những cái tên quen như Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên, Sobin Hoàng Sơn, Hương Tràm v.v… Gần như chỉ sau một đêm, những người nghe đồng loạt “giở mặt”.

Chỉ sau hai ngày ra mắt, ca khúc “Người lạ ơi” của Karik đã thu về hơn 4 triệu lượt xem và đi thẳng lên vị trí top 1 Trending Youtube. Sau hai tuần, “Người lạ ơi” chính thức đạt 100 triệu lượt nghe, được Zing MP3 đánh giá vượt mặt cả “Em gái mưa” của Hương Tràm khi ca khúc này cần đến 30 ngày mới đạt số lượt nghe tương tự. “Người lạ ơi” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên facebook, được cover liên tục và nhanh chóng đi vào ứng dụng hàng ngày. Những trích lời của bài hát nhanh chóng gom được triệu like với hàng nghìn lượt share cho mỗi tình huống. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận đánh giá: “bản R&B pha hip hop như thổi một làn gió mới giữa thời điểm nhạc Việt quá quen thuộc với pop, ballad khiến cộng đồng “phát cuồng”.

Ca khúc “Túy âm” của nữ sinh Trần Hải Yến (nghệ danh Xesi) với bản phối của Lê Tuấn Anh (Masew) mới ra mắt chưa đầy ba tháng đã được giải thưởng “WeChoice Awards” đề cử sản phẩm âm nhạc underground được yêu thích nhất. Trong khoảng 100 ngày sau khi xuất hiện, nó đã gom được hơn 90 triệu view làm “chao đảo” cộng đồng mạng, được ví với siêu phẩm “Despacito”. Với giai điệu khá mới lạ, ca từ dựa trên câu chuyện tình có thật của một học sinh cấp ba, “Túy âm” không cần bất cứ một chiến dịch PR nào cũng thần kỳ chiếm các thứ hạng cao nhất khắp các bảng xếp hạng ca nhạc. Một số người nhờ cover “Túy âm” cũng trở nên “nổi tiếng sau một đêm”. Trong đó bản cover của cô bé Ly Ly bốn tuổi cũng tự nhiên thành một “hiện tượng giải trí” được người người tìm nghe.

Đồng tác giả “Buồn của anh” Masew sau khi post ca khúc này lên trang cá nhân đã đạt được hơn 2 ngàn like và hơn 3 ngàn share chỉ trong khoảng 8 phút. Tương tự, kênh Youtube của Masew từ 60 ngàn đã tăng lên tới hơn 750 ngàn người theo dõi. Những con số biết nói này khiến cả làng giải trí lên cơn sốt tập thể, bởi vì nó chưa từng có tiền lệ, và các nghệ sĩ thậm chí chẳng tốn xu nào cho các chiến dịch truyền thông để đưa nó đến với số đông khán giả.

 Những cuốn sách quốc dân

Trong một vài tuần đầu năm, đứng đầu trong danh sách bán chạy nhất của Fahasa là “Hôm nay tôi thất tình” của tác giả Hạ Vũ và “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Rosie Nguyễn, thậm chí xếp trên cả “Nhân tố enzyme” được cho là tạo ra cả một lối sống xanh, và những cuốn sách dạy làm giàu vốn được người Việt ưa chuộng.

Thống kê của Vinabook: một cuốn sách lọt top 5 thuộc về cái tên vốn trước đó chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội: Huỳnh Thắng với cuốn sách thuộc dòng ngôn tình “Đừng để cô ấy cô đơn”.  Trang riêng của tác giả này có tới 15.000 người theo dõi, một con số cực kỳ đảm bảo đối với bất cứ kế hoạch xuất bản nào. “Đừng để cô ấy cô đơn” ra mắt vào dịp Valentine cũng nhanh chóng được Tiki xếp vào danh sách bán chạy nhất tuần, nhất tháng.

Người mới triệu like ảnh 1 “Đừng để cô ấy cô đơn” bị chê là nhạt vẫn đứng top xuất bản trong nhiều tuần.

Như vậy, trong văn học cũng có yếu tố bất ngờ giống như bên âm nhạc. Các tác giả best seller không còn là những cái tên quen thuộc như Quách Lê Anh Khang, Nguyễn Phong Việt hay Gào hoặc Iris Cao. Một bất ngờ khác với những người làm sách, nếu như loại sách ngôn tình trước nay vốn chỉ thu hút độc giả nữ thì ngôn tình Việt “hạ gục” cả nam lẫn nữ. Đại diện thương hiệu sách Skybooks, đơn vị xuất bản “Đừng để cô ấy cô đơn” cho biết: “Lượng người đặt sách là nam chiếm khoảng 40%. Đa số người được khảo sát cho rằng cuốn sách như một thứ cẩm nang để lấy lòng bạn gái. Một số người mua cũng giải thích rằng: họ nghĩ một người cùng lứa tuổi viết về tâm lý sẽ đáng tin hơn các chuyên gia nhiều khi chỉ giỏi lý thuyết”.

Trên các trang mua bán sách trực tuyến hiện đều có những phản hồi công khai. Và mặc dù số đánh giá “nhạt, dở, rất không hài lòng”… dành cho “Đừng để cô ấy cô đơn” không ít, song dường như nó không ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ. Qua ba tuần, cuốn ngôn tình của Huỳnh Thắng vẫn vững vàng xếp ở top 5 các bảng xếp hạng. Cái tên Huỳnh Thắng nhanh chóng được xếp vào đội ngũ các tác giả quốc dân có thu nhập tương đối cao chỉ bằng in sách.

Người mới triệu like ảnh 2 Tác giả “Túy âm” Trần Hải Yến mới là học sinh cấp ba.

Lý do của khán giả

Biên tập viên Trương Ngọc Lan (NXB Phụ Nữ) lý giải về sự hấp dẫn của dòng sách ngôn tình: “người ta thích đọc những câu chuyện tình đẹp và phi thực tế vì chúng đem đến cho họ những khoảnh khắc giải thoát khỏi thực tại”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Phong Tuấn cho rằng: “Trong tâm thức của con người luôn tồn tại xung đột giữa điều mong muốn và thực tại không thể đạt đến, xung đột ấy tạo nên nhu cầu được giải phóng khỏi thực tại bề bộn và bó buộc hằng ngày, khỏi những sầu muộn, đau khổ luôn đeo đẳng. Một người phụ nữ mà xã hội truyền thông cung cấp cho họ những mẫu hình lãng mạn của tình yêu, những chân trời của địa vị xã hội và sự tự do, trong khi trên thực tế, văn hóa truyền thống, những ràng buộc của bổn phận đang trói buộc họ hay đang chờ đợi họ, họ muốn vượt thoát chúng nhưng nhiều khi bất lực. Trong sâu thẳm mọi người đều cảm thấy hiện thực hằng ngày là trần trụi, nhàm chán và bó buộc; một thế giới khác, lãng mạn hơn, khốc liệt hơn, siêu phàm hơn, hay thậm chí là đẫm máu hơn nơi các tác phẩm hư cấu sẽ đem đến sự giải phóng và niềm vui cho họ. Trong thế giới đó họ có thể là một cô gái say đắm trong tình yêu tự do, một anh hùng bất khả chiến bại, một siêu nhân đi xuyên thời gian, hay thậm chí là một con quỷ dữ chôn giấu nỗi đau u uẩn trong sâu kín tâm hồn. Xung đột giữa ham muốn và thực tiễn tạo thành những ám ảnh đeo đẳng nội tâm con người, đòi hỏi được thoả mãn, giải phóng và cân bằng trong một thế giới hư cấu, tưởng tượng”.

Người mới triệu like ảnh 3 Cô bé Ly Ly cover “Túy âm” cũng nổi tiếng sau một đêm.

Bên phía âm nhạc, những lý do “yêu thích” lại hầu hết quy về cảm giác tự do, cá tính, sự gần gũi đời thường và đôi khi không liên quan đến tình yêu nam nữ.

Các nghệ sĩ underground chủ yếu giao tiếp với khán giả qua internet. Họ không bị bó buộc bởi các nhà đầu tư và lãi suất, do vậy, bất cứ tác phẩm underground nào cũng tràn đầy tinh thần tự do, và mang đậm cá tính của tác giả. Mặt khác, các sáng tác của họ thường giản dị, chân thực, gắn liền với cuộc sống.

Đối với tác phẩm “Túy âm”, mặc dù lấy tình yêu làm đối tượng, nhưng sức hút của nó lại nằm ở “giai điệu gây sửng sốt vì sự ma mị như đang chìm trong ảo giác”. Nó cũng được ví như “ma túy số” vì nhiều fan khoe rằng mỗi ngày nghe nguyên hai tiếng.

Một lý giải khác của khán giả về sự hấp dẫn của các nghệ sĩ underground là họ biết mình giỏi cái gì và theo đuổi tới cùng cái đó. Chưa từng có trường hợp tham lam thích thể hiện nhiều dòng nhạc để rồi bị cả cộng đồng gọi là “nhạt” vì “mất chất”. Đa số các ca khúc đều do chính các ca sĩ này tự sáng tác hoặc những người bạn cùng nhóm sáng tác cho họ. Với những kinh nghiệm và tai nghe bắt nhịp khá tốt với dòng chảy âm nhạc đương đại nên các ca khúc của những ca sĩ Underground gần như là “tiệm cận” với âm nhạc của thế giới, không “nửa vời” như những sáng tác của những nhạc sĩ thuộc về thế hệ trước.

MỚI - NÓNG