Người giải mã thế giới hỗn mang kiếp người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 40 năm qua, vị giáo sư duy nhất ngành Tâm thần học Việt Nam đã điều trị hàng trăm nghìn bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ hồi phục một cách tự nhiên và trở lại làm việc cống hiến cho xã hội. Thế nhưng, tổng kết lại ông cảm thấy bản thân vẫn đang thất bại.

Giả vờ làm một bác sĩ ngớ ngẩn

Trước mặt tôi, một người đàn ông với nụ cười thân thiện, đôi mắt sáng quắc hút ánh nhìn. Ông là GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, vị giáo sư duy nhất của ngành Tâm thần học Việt Nam. “Nhiều người hay nói đùa làm nghề nào ít nhiều bị ảnh hưởng “bệnh nghề nghiệp”. Không ít bác sĩ điều trị tâm thần “có vấn đề” thật, nhưng hơn 40 năm công tác, tôi được tất cả mọi người đánh giá không bị ảnh hưởng”, GS. Cao Tiến Đức hóm hỉnh mở đầu câu chuyện.

Theo GS.TS.BS Cao Tiến Đức, hiện nay rất nhiều người đến khám sức khỏe tâm thần, chủ yếu các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, tâm thần phân liệt, động kinh, loạn thần của tuổi già, sa sút trí tuệ… Riêng 14 bệnh hay gặp chiếm 14,8 %, ví dụ tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng.

Hơn 40 năm khám, điều trị cho người bệnh tâm thần, những năm gần đây, ông thấy xã hội, gia đình quan tâm nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ chủ động tìm đến bác sĩ tâm thần nên mới phát hiện được tỉ lệ người mắc bệnh bây giờ rất nhiều. “Trước đây, phần lớn tâm lý người dân không chấp nhận gia đình có người bị bệnh tâm thần. Khi nhắc đến khoa tâm thần, họ thường kỳ thị. Các trường hợp phải vào viện điều trị hầu hết là bệnh nặng, đa phần bệnh nhân không ý thức được sức khỏe của mình” - GS. Cao Tiến Đức cho biết.

GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức cho biết, lĩnh vực sức khỏe tâm thần rất rộng. Nói một cách đơn giản, ăn ngủ, sinh hoạt vợ chồng không hòa thuận, con cái không ngoan, học hành không giỏi, cờ bạc… tất cả đều thuộc về lĩnh vực tâm thần. Không phải chỉ có điên, kích động đập phá… mới là tâm thần.

Từng 46 năm học tập và công tác tại Hà Nội, ông Đức nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam; Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Tháng 4/2022, ông chuyển về công tác tại Bệnh viện ĐH Y dược Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Một học trò của GS. Cao Tiến Đức chia sẻ: “Một vài lần em mơ màng thấy bóng dáng thầy trên facebook ở một bệnh viện của TP Buôn Ma Thuột. Nhưng em không tin đó là sự thật. Cho đến khi thầy nói “Thầy quý mến Tây Nguyên nên thầy là công dân của Buôn Ma Thuột rồi nha”. Thật bất ngờ, em rất vui vì điều đó, vì Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột nói riêng đã có chuyên gia đầu ngành với bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực tâm thần”.

Người giải mã thế giới hỗn mang kiếp người ảnh 1

GS Cao Tiến Đức tư vấn, thăm khám bệnh

Mặc dù vậy, một tháng GS. Cao Tiến Đức thường có dăm, bảy ngày bay về Hà Nội. Theo ông, đang còn duyên nợ với thủ đô, một số đơn vị vẫn mời ông về dự các hội nghị, đi giảng bài, hội thảo, chấm thi, tham gia hội chẩn.

Từ nhỏ, ông thích ngành Y, vì chiều ý mẹ nên ông thi đậu Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, ông đăng ký lên đường nhập ngũ, vì thế cuộc đời ông được định hướng đúng với niềm đam mê. Ông bảo gắn bó với nghề là cái duyên. Điều trị hàng trăm nghìn người bệnh, với ông ca bệnh nào cũng đặc biệt.

Người giải mã thế giới hỗn mang kiếp người ảnh 2

Chuyên ngành Tâm thần không cần một trình tự, tùy vào năng khiếu, kỹ năng, kinh nghiệm của bác sĩ. Trên hết là sự gần gũi, ân cần của bác sĩ, coi bệnh nhân là người thân của mình. Những lần khám bệnh của ông đơn giản là cuộc nói chuyện như những người bạn với nhau. “Điều trị cho bệnh nhân tâm thần thành công thì phải “khám bệnh mà như không khám”. Có nhiều bệnh nhân của tôi còn nghĩ tôi “ngơ ngơ”. Trường hợp cậu bé học lớp 11, tâm thần phân liệt. Khi tôi khám xong, cậu nói với mẹ: “Sao nhà mình có bao nhiêu họ hàng làm bác sĩ giỏi, mà mẹ lại đưa đến một bác sĩ ngớ ngẩn. Bác sĩ này khám gì mà toàn hỏi những chuyện vớ vẩn”. Nhưng cậu bé này, sau điều trị rất hiệu quả, hồi phục và đi học đại học”, vị giáo sư kể.

Trăn trở

Tôi tình cờ gặp lại cô bạn sau gần 10 năm, cô tâm sự, sau khi ra trường lấy chồng sinh liền 2 đứa con, cuộc sống khó khăn, cô cảm giác chán ghét mọi thứ, cô được một chị bạn giới thiệu đến khám chỗ GS. Cao Tiến Đức. “May mắn sau một thời gian tớ bình thường, nếu không… bỏ lửng câu nói, cô bạn tiếp: “Nhiều người nói rằng, người bệnh khi khám cảm thấy thoải mái, có niềm tin chữa được khỏi bệnh thì đã gặp đúng bác sĩ”.

Trước thực tế, có nhiều vụ tự tử, người ta hay nói liên quan đến trầm cảm, GS. Cao Tiến Đức cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, không chỉ riêng trầm cảm. Theo ông, nguyên nhân thường do nội tại cơ thể sinh ra, tác động môi trường…rồi các bệnh lý trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn do một số chất (ma tuý, rượu) gây ra, hoặc rối loạn lo âu, rối loạn stress, rối loạn nhân cách… Trong một số trường hợp, nhiều người mang gen không mắc bệnh cho đến khi có yếu tố môi trường bất lợi tác động thì bệnh lý mới phát sinh.

Khuôn mặt vị giáo sư ngoài lục tuần vương chút buồn. Ông kể, ngày đầu tiên chờ nghỉ hưu, một phụ nữ 30 tuổi sinh con thứ 2 tìm đến gặp. Vì con hay quấy khóc, cô ấy phải thức đêm, mất ngủ hai tháng, kèm theo lo lắng, mệt mỏi, buồn, chán, có lúc cảm thấy tuyệt vọng và muốn kết thúc. Cô ấy tìm đến ông để điều trị nhưng chồng và mẹ không chấp nhận cho cô ấy uống thuốc. “Tôi giải thích nhưng không thay đổi được quan điểm của gia đình. Cô ấy cầu xin chồng cứu nhưng chồng vẫn nhất quyết đưa vợ về. Tôi bất lực, lo sợ cô ấy sẽ có hành vi tiêu cực, nguy hiểm”, Giáo sư Đức thở dài.

Trong suốt mấy chục năm công tác, điện thoại di động của ông chưa khi nào tắt. Ông lựa chọn những đêm không ngủ để yên tâm rằng bệnh nhân được ổn định. Ông vẫn thường nói “có thể một câu trả lời của mình giải quyết được vấn đề”. Sự nghiệp ngổn ngang với tất cả các cung bậc cảm xúc. Một bệnh nhân nữ bị rối loạn lưỡng cực (trầm cảm và hưng cảm), người chồng chở ông đến nhà nhờ khám vì vợ đang tái phát bệnh. “Chồng dựng xe ngoài sân, tôi bước vào nhà bất ngờ chị vợ chạy ra ôm chầm reo vui. Trường hợp này, cách đây gần 30 năm, đó là cảm xúc của người bệnh khi họ mừng quá. Từ đó, tôi không dám đến nhà khám nữa”, vị giáo sư cười.

“Những năm gần đây, nhiều người bạn tôi nói rằng vì áp lực cuộc sống nên họ theo học những lớp thiền, những lớp dạy cơ thể tự chữa lành để tìm sự cân bằng”, tôi hỏi. Ông chia sẻ, người bị bệnh hoặc chưa bị bệnh đều có thể tham gia các lớp đó, vì ít nhất nó được hiểu như một liệu pháp tâm lý. Nhưng một khi đã có bệnh thì phải được điều trị đúng phương pháp mới giải quyết được các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lí.

Ẩn sâu trong đôi mắt của vị giáo sư ấy, còn nhiều điều trăn trở. Theo ông, quan trọng nhất của bác sĩ tâm thần là kinh nghiệm, kiến thức, năng lực, toàn tâm toàn ý đối với bệnh nhân.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.