Người ghi dấu Việt Nam trên bản đồ nhi khoa thế giới

GS Nguyễn Thanh Liêm nhận bằng “Hội viện danh dự Hội Phẫu thuật Nhi Liên bang Nga”. Ảnh: T.H
GS Nguyễn Thanh Liêm nhận bằng “Hội viện danh dự Hội Phẫu thuật Nhi Liên bang Nga”. Ảnh: T.H
TP - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là người luôn biết gây sốc, gây bàng hoàng cho bạn bè y khoa quốc tế với những ca mổ vô cùng táo bạo, mang tính tiên phong rất thành công.

Đồng nghiệp trên thế giới gọi các phương pháp do GS Liêm sáng tạo là “Liem technique”- kỹ thuật của GS Liêm.

Những lần đầu tiên đáng nhớ

Ba mươi ba năm gắn bó với Bệnh viện Nhi T.Ư là bấy nhiêu thời gian ông đau đáu với sinh mệnh từng đứa trẻ. Là cơ sở y tế lớn nhất nước về nhi khoa cũng là nơi tập trung những bệnh nhân nặng nhất, đòi hỏi mỗi sự cố gắng của các y bác sĩ nơi đây dường như nhiều hơn gấp bội phần. 

Trưởng thành từ nơi hàng ngày văng vẳng tiếng khóc đau đớn của những đứa trẻ, chứng kiến sự mệt mỏi, ánh mắt thất thần của cha mẹ chúng, ông chưa từng một giây phút nào nghĩ mình sẽ rời xa nơi đây, dù áp lực công việc luôn đè nặng, dù nhiều nơi khác hứa hẹn trả lương cao hơn.

Năm 1997, ông được giới y khoa quốc tế biết tới khi trở thành người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiến hành phẫu thuật nội soi cho trẻ em.

Người ghi dấu Việt Nam trên bản đồ nhi khoa thế giới ảnh 1

GS Liêm phẫu thuật tại Italia

Bắt đầu từ đây ông đã đưa Bệnh viện Nhi T.Ư trở thành một trong các trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em tiên tiến trên thế giới, được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, là nơi đào tạo phẫu thuật nội soi cho nhiều quốc gia trong khu vực.

Chiều cuối năm, tranh thủ lúc rảnh rỗi giữa 2 ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nơi ông đang làm Giám đốc sau khi cống hiến hơn 30 năm sự nghiệp cho Bệnh viện Nhi T.Ư.

Ông kể: “Năm 2001 tôi có ý tưởng mổ nội soi lồng ngực để chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ nhỏ nhưng lúc đó không làm được vì phương tiện của mình chưa có đủ. Tôi đã thảo luận với một giáo sư người Pháp về vấn đề này.

Giáo sư đó đã về Pháp và thực hiện ca mổ đầu tiên theo phương pháp tôi nghĩ ra trên một trẻ nhỏ 7 tháng tuổi. Năm 2002, Việt Nam đã có được phương tiện phẫu thuật cần thiết, trên cơ sở đã tiến hành trên những trẻ hơn 7 tháng thành công.  


Tôi nghĩ nếu đã mổ được cho trẻ 7 tháng tuổi thì cớ sao không thể mổ cho trẻ nhỏ tuổi hơn. Đương nhiên, phải lường trước những khó khăn đặc biệt và thảo luận với kíp gây mê hồi sức rất kỹ lưỡng để tránh rủi ro”. 

Ca mổ nội soi lồng ngực điều trị thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh thành công vào tháng 2/2002 đã đưa ông trở thành người đầu tiên trên thế giới thực hiện được kỹ thuật rất khó này.

Sau đó ông đã có 5 công trình nghiên cứu về lĩnh vực này được xuất bản trên các tạp chí uy tín quốc tế, được mời đến giảng bài, tham luận tại nhiều nước và hội nghị quốc tế, góp phần đưa kỹ thuật này áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Giới phẫu thuật Nhi khoa thế giới coi GS Liêm là người tiên phong và chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ, với kinh nghiệm phẫu thuật cho hơn 500 trường hợp và phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cơ hoành với hơn 300 trường hợp.

Bằng việc trực tiếp thực hiện các ca mổ khó, có 20 công trình nghiên cứu được xuất bản quốc tế, được mời giảng bài tại Mỹ, Italia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước trên khác, GS Nguyễn Thanh Liêm đã chứng minh phẫu thuật nội soi an toàn và ít biến chứng hơn mổ mở.

Chương “U nang ống mật chủ “trong sách giáo khoa Phẫu thuật Nhi của Anh trước đây do GS người Anh viết, của Mỹ do GS người Nhật viết, nhưng năm nay, cả 2 quốc gia này đều mời GS Nguyễn Thanh Liêm viết.

Tinh thần thép

Hình ảnh GS Liêm ân cần động viên người thân của bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo không hề xa lạ với nhân viên y tế bệnh viện và mọi người. 

Đôi mắt với ánh nhìn ấm áp, giọng nói thâm trầm của ông khiến bệnh nhi và người thân như được tăng thêm nghị lực để sẵn sàng chống chọi với bệnh tật và muôn vàn khó khăn phía trước. Hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi đau của bệnh nhi khi năm cuối phổ thông ông chứng kiến mẹ mình ra đi trong đau đớn vì căn bệnh ung thư.

Ngay thời khắc ấy, chàng trai 18 tuổi quyết định thay vì thi vào khoa Văn trường ĐH Tổng hợp đã nộp hồ sơ thi vào ĐH Y Hà Nội với một quyết tâm thôi thúc, học y để không chỉ chữa bệnh cho người thân mà còn cứu sống nhiều người bệnh khác...

Hơn 30 năm gắn bó với phòng mổ, chứng kiến sự hồi sinh của biết bao đứa trẻ nhưng lần nào cũng như lần đầu, sự xúc động, niềm vui luôn ngập tràn trên gương mặt hiền hậu của GS Nguyễn Thanh Liêm mỗi khi giữ được tính mạng của bệnh nhân.

“Tôi đã nhận được nhiều giải thưởng và giải thưởng nào cũng rất đặc biệt, rất cao quý. Tôi thấy điều quan trọng nhất đối với bản thân là đến giờ phút này đã sống hết mình, làm việc hết mình và cống hiến hết mình”.

GS Nguyễn Thanh Liêm

Với ông, luôn là một tinh thần thép cho những ca mổ hết sức phức tạp. Năm 2002 tại Bệnh viện Nhi T.Ư, GS Nguyễn Thanh Liêm thực hiện tách thành công cặp song sinh Nghĩa- Đàn chung nhau tá tràng, cơ hoành, mạng phổi, xương ức, ống mật chủ, ruột. Đây là một trong những ca song sinh mà nền y học thế giới ít có khả năng tách rời ở thời điểm đó.

Một năm sau cũng dưới bàn tay tài hoa và một trí lực tuyệt vời của GS Liêm và cộng sự người nước ngoài, thế giới lại biết đến y học Việt Nam qua ca mổ tách cặp song sinh Cúc-An vô cùng phức tạp.

Hai bé Cúc- An có chung nhau nhiều cơ quan nội tạng như gan, màng tiêu hóa, màng tim cơ hoành, xương ức, thêm nữa An bị dị tật tim bẩm sinh, Cúc bị u máu ở tay và ngực. 

Sau 9 giờ liên tục phẫu thuật ca mổ thành công. Một lần nữa người ta lại biết đến ông như người đi đầu tài năng đã tiến hành mổ tách thành công 5 cặp trẻ song sinh dính nhau, trong đó có 2 cặp Nghĩa- Đàn, Cúc- An thuộc trường hợp phức tạp nhất trên thế giới.

Mới đây, số phận đã mỉm cười với bệnh nhi Nguyễn Văn Chung không có hậu môn 9 năm phải dùng hậu môn giả đặt trên hành bụng khi gặp được bàn tay vàng và tấm lòng thương yêu vô bờ bến của GS Liêm và cộng sự. Cậu bé đã được GS Liêm và các bác sĩ Bệnh viện Vinmec phẫu thuật miễn phí bằng kỹ thuật mới do ông nghiên cứu. Đây là kỹ thuật được GS Liêm nghĩ trong nhiều năm mới áp dụng.

Nhờ kỹ thuật nội soi do ông tiên phong, hằng năm đã có 5.000 bệnh nhi được cứu sống. Ông cho rằng, tinh thần tự học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu là phẩm chất cần thiết và đáng quý để một người nghiên cứu khoa học suốt đời phải thực hiện.

Người ghi dấu Việt Nam trên bản đồ nhi khoa thế giới ảnh 2Theo thời gian, ông khiến giới y học thế giới đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi liên tiếp đưa ra 8 kỹ thuật mới trong điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo của trẻ em.

GS Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên nghiên cứu đề xuất một số kỹ thuật mổ mới như cắt màng tim rộng rãi bằng nội soi lồng ngực để điều trị viêm mủ màng ngoài tim, điều trị dịt ật teo trực tràng bằng phẫu thuật nội soi kết hợp với đường hậu môn…

MỚI - NÓNG