TPO - Thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn người dân trong vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang phải mang từng can nhựa đến vòi nước công cộng chờ hứng nước.
|
Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 3/4, từ trung tâm huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về các xã Phước Trung, Tăng Hoà... dọc hai bên đường không khó bắt gặp cảnh người dân mang theo can nhựa đến các vòi nước công cộng để chờ hứng nước ngọt. |
|
Ông Trịnh Minh Quốc - ngụ xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, chở 10 can nhựa đến vòi nước công cộng trên địa bàn xã để chờ hứng nước mang về. Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, ông Quốc cho biết, hiện nay các tuyến kênh, ao gần nhà đã khô cạn nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống nước máy không đủ cung cấp sinh hoạt cho gia đình, vòi nước chỉ chảy nhỏ giọt, tình trạng này kéo dài gần 10 ngày nay. "Mỗi ngày 2 – 3 lượt, tôi mang can nhựa lấy khoảng 300 lít nước về dự trữ cho cả gia đình sinh hoạt. Bà con ở đây chỉ biết trông chờ vào vòi nước công cộng này thôi”, ông Quốc nói. |
|
Dưới nắng trưa gay gắt, bà Nguyễn Thị Lan, ngụ ấp Ngãi Trí, xã Phước Trung cùng chồng chở 10 can nhựa (loại 30 lít) đến điểm chờ lấy nước ngọt. Bà Lan cho biết, do không có nước sử dụng nên nhiều ngày qua, gia đình mua 10 can nhựa với giá gần 500.000 đồng để hứng nước. “Nước ngọt ở đây giờ khan hiếm lắm do nước dưới kênh giờ đâu còn giọt nào. Nhà tôi nuôi bò, dê, không có nước cho uống cũng vất vả lắm", bà Lan bộc bạch. |
|
Ông Lê Văn Tuấn ngụ cùng địa phương thông tin thêm, trước đó gia đình ông có dự trữ nước ngọt nhưng vẫn không đủ dùng. Trong khi đó, nước từ nhà máy đã không cung cấp được một giọt nào khoảng 2 tuần nay nên thiếu nước ngọt trầm trọng. Tranh thủ đưa con đi học xong, ông mang can nhựa để lấy nước về phục vụ ăn uống, sinh hoạt. |
|
Theo ghi nhận của phóng viên, trong vòng 15 phút nhưng có hàng chục người đến xếp hàng chờ lấy nước. Người thì vài can, có người mang cả chục can để chở về. |
|
Theo người dân địa phương, hạn mặn kéo dài nước tích trữ đã sử dụng hết nên việc thiếu nước rất trầm trọng, do đó phải lấy nước kể cả ban đêm. |
|
Các kênh nội đồng trên địa bàn xã Tăng Hoà, huyện Gò Công Đông khô cạn nước. |
|
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quí – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, trước Tết Nguyên đán, trong vùng ngọt hoá Gò Công có nguồn nước nội đồng, nước máy cũng dồi dào. Tuy nhiên, cuối tháng 2/2024, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên hệ thống cống ngăn mặn khép kín. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn huyện cần lượng nước lớn để tưới, làm mực nước các kênh trong vùng ngọt hoá xuống nhanh. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài nên gây ra tình trạng khô, cạn nước mặt trên các kênh nội đồng. |
|
Ông Nguyễn Văn Quí cho biết thêm, trước tình hình trên, huyện cũng đã bố trí 64 vòi nước công cộng (trên địa bàn 11 xã và 1 thị trấn) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. |
|
Một tuyến kênh nội đồng trên địa bàn huyện Gò Công Đông khô cạn, nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhật Huy. |
Ngày 1/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt cao, nắng nóng kéo dài; hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ĐBSCL)và miền Trung, Tây Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Nhật Huy