Người Cơ Tu 'hái tiền' ở Yeongyang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đồng bào dân tộc thiểu số cả đời bám ruộng nương, dễ gì rời khỏi xóm thôn. Vậy mà họ bỗng xuất ngoại, kiếm ngoại tệ đem về. Chuyện như không tưởng ấy lại là hiện thực của bà con Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) khi họ sang Hàn Quốc làm nông nghiệp.

Làm nông, nhận lương “giám đốc”

Chị Za Râm Nguyệt (35 tuổi, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) vừa trở về sau 3 tháng xuất ngoại sang xứ sở kim chi. Chuyến đi mà chị xót cả ruột gan vì con mới được 18 tháng tuổi. “Mình phải đi để kiếm tiền lo cho gia đình, hai vợ chồng cứ trông vào con bò với vườn keo thì làm sao nuôi đủ 3 đứa con”, chị ngậm ngùi. Chị nhớ như in, đầu năm ngoái, xã thông báo có chương trình đưa lao động nông nghiệp sang làm việc ở Hàn Quốc, chị bàn với chồng rồi đăng ký tham gia.

Đến giữa năm, biết tin mình trúng tuyển, chị vừa mừng lại vừa lo chẳng biết lấy đâu tiền để thủ tục, lộ phí… Thế là hai vợ chồng phải bán con bò, được mấy chục triệu, đổ hết vào chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời. Nói tới đây, chị cười thẹn thùng, kêu từ nhỏ đến lớn đi xa nhất tới thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), cách nhà chưa tới 100km, chưa hề nghĩ mình sẽ đi tới một tỉnh thành nào khác trong nước xa hơn thì đùng cái xuất ngoại. Lại còn đi hẳn hai chuyến máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội, từ Hà Nội sang Hàn Quốc.

Người Cơ Tu 'hái tiền' ở Yeongyang ảnh 1

Nông dân Hòa Vang làm nông ở Yeongyang. Ảnh: N.V.C.C

Ngày đầu tiên bước xuống xứ người, chị Nguyệt được phân về gia đình chủ vườn là đôi vợ chồng già, ở cùng chị có 4 chị em khác. Chủ nhà sắp xếp cho cả nhóm ở trong nhà mình, hướng dẫn cách sử dụng bếp núc, đồ đạc. Cần mua gì, mọi người ghi vào giấy, họ sẽ đi mua giúp hoặc thỉnh thoảng chở đi siêu thị. Riêng giờ làm, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, rồi từ 13h - 18h, vườn ở khá xa nên phải di chuyển bằng ô tô.

“Công việc của tụi tui chủ yếu là hái ớt, nhổ lạc, chăm vườn… Ở nhà lăn lộn với ruộng nương quen rồi, có chi đâu mà nặng nhọc. Khí hậu bên đó lạnh nhưng có nắng nên cũng dễ chịu”, chị chia sẻ. Sau một tháng miệt mài làm nông xa xứ, ông chủ vườn thu lại cuốn sổ tiết kiệm của mỗi người được phát hồi đầu tháng để đi gửi lương. Lúc đưa về thấy con số 1,9 triệu won, mấy chị em ngồi tính tỷ giá, nhân lên, rồi hét um cả phòng. Lúc đó đổi ra hơn 34 triệu đồng. “Không ai tin vô mắt mình cả. Làm nông mà nhận lương như giám đốc!”, chị vẹn nguyên cảm xúc.

Đi cùng chuyến với chị Nguyệt, chị Nguyễn Thị Hương (thôn Phú Túc) ngờ đâu mình ở cái tuổi làm bà ngoại rồi còn được xuất ngoại để lao động kiếm tiền. Bao năm qua, chị quanh quẩn làm nông, phụ con bán hàng nước ven đường, gom từng đồng lẻ. Hôm cùng đoàn sang Hàn, chị chỉ mong thuận buồm xuôi gió, qua đó có công việc, an toàn và có một khoản nhỏ mang về là trọn vẹn lắm rồi. Chị nhớ chủ vườn của chị thân thiện, dễ tính, nhưng làm việc với họ phải đúng giờ, nghiêm túc.

Ở quê một tay chị quán xuyến đồng áng nên giờ mấy việc hái ớt, nhổ tỏi… chỉ là cỏn con. Tháng đầu tiên, ông chủ gửi vào tài khoản chị 1,9 triệu won, tháng thứ hai chủ không lấy tiền nhà nên chẵn 2 triệu won, tháng cuối chủ lì xì thêm 100 won nữa. Vậy là 3 tháng hơn trăm triệu đồng, trừ chi phí đi lại, thủ tục bỏ ra ban đầu thì còn hơn 70 triệu. “Ba tháng lao động ở xứ người bằng, mà có khi hơn cả năm lam lũ ở nhà. Cầm số tiền trăm triệu kiếm được, tui vẫn không tin đó là từ làm nông mà có”, chị thật thà.

Náo nức xin đi để thoát nghèo

Năm 2017, huyện Hòa Vang và huyện Yeongyang (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) bắt đầu triển khai chương trình hợp tác hữu nghị và trao đổi nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp. Địa phương tuyển chọn nông dân dưới 55 tuổi, có sức khoẻ tốt, tập huấn tiếng và văn hóa Hàn Quốc… Những năm đầu chỉ hơn 100 người đi, càng về sau càng tăng cao. Riêng năm ngoái có tới 540 nông dân xuất ngoại.

Và đặc biệt là ngày càng nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu mạnh dạn đăng ký tham gia. Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay năm 2023 xã có 5 người đồng bào Cơ Tu sang Hàn, năm nay có hơn hai chục người đăng ký. “Trước đây đi vận động bà con cực lắm, họ đã bao giờ đi xa đâu mà giờ dám rời thôn sang tận nước khác. Với lại tin thì ít mà ngờ thì nhiều, cứ lo qua bên đó có việc làm ổn không, chủ có tốt bụng, có chịu trả lương cho không… Xã phải mời những người đã từng đi về ngồi kể chuyện, động viên họ mới chịu”, ông nói.

Còn ở Hòa Phú, cả 4 người đi năm vừa rồi năm nay lại xuống đăng ký để xin đi tiếp. Chị Za Râm Nguyệt còn “tham vọng” cho cả chồng và em út họ hàng đi hết. Bởi công việc thì “trong lòng bàn tay” mà mức lương cao ngút trên trời. Chuyến đi vừa rồi trừ chi phí, chị dằn túi hơn 70 triệu, đã mua lại con bò thế con hôm trước bán vội để lo chi phí. Nay bò đã đẻ, lời to. Còn trả cả khoản nợ trước kia vay mượn để gầy vườn keo. Cả xóm thấy chị thoát nợ vui lây, ai cũng nao nức được đi kiếm tiền won.

Câu chuyện đang dở dang thì anh Lê Văn Mới (41 tuổi) cạnh nhà cắt ngang, gọi anh Nguyễn Văn Thông (cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Hòa Phú) phải tính cách nào cho anh và bà con Cơ Tu sang Hàn càng nhiều càng tốt. Bởi ở nhà cực quá, chẳng biết làm gì để có chục triệu, trăm triệu trong tay. Anh Thông động viên bà con cứ từ từ, xã sẽ ưu tiên cho bà con khi phía Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng. Năm nay, xã Hòa Phú có 13 người Cơ Tu đăng ký sang Hàn.

Bà con Cơ Tu là một trong những đối tượng ưu tiên khi địa phương xét duyệt hồ sơ lao động sang Hàn. Nhóm ưu tiên gồm có hộ nghèo, hộ khó khăn, bộ đội xuất ngũ... Từ năm 2017 đến nay, huyện Hòa Vang đã đưa gần 1.200 nông dân sang huyện Yeongyang làm việc.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.