Ngư dân bám biển: Vững vàng trên sóng dữ

Ngư dân bám biển: Vững vàng trên sóng dữ
TP - Mối liên hệ, gắn kết giữa ngư dân và bộ đội Biên phòng luôn được giữ vững, kết nối để những chiếc tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa.

> Mười thủy thủ bị cướp biển tấn công đã về nước

Thiếu tá Thanh tặng quà cho con em ngư dân Ảnh: Nam Cường
Thiếu tá Thanh tặng quà cho con em ngư dân. Ảnh: Nam Cường.

Giúp đỡ hậu phương

Ngoài việc thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân trên mọi mặt trận trên biển, Đồn Biên phòng 248 chú trọng giúp đỡ hậu phương của các ngư dân. Chính điều này tạo được cảm giác an tâm, tin cậy cho ngư dân trong những chuyến đi xa.

Em Đỗ Thị Thanh Duyên (tổ 8 Xuân Hà - Thanh Khê, Đà Nẵng) cầm trên tay món quà 300 ngàn đồng vừa được Thiếu tá Trần Hữu Thanh trao tặng, nói: Món tiền này với em lớn lắm. Năm tới em không còn phải lo lắng chuyện sách giáo khoa đầu năm nữa.

Nhà Duyên nghèo, ba em đi biển thường xuyên mà vẫn không vực được kinh tế gia đình khá lên. Duyên vừa kết thúc lớp 5, Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh với thành tích xuất sắc toàn trường.

Anh Đỗ Tám - ba em Duyên đang theo tàu ra Hoàng Sa đánh cá. Cũng là một ngư dân dạn dày sóng nước, coi Hoàng Sa như nhà thứ 2, nhưng giá cả tăng vọt khiến hai chuyến biển trước của anh Tám một thì lỗ, một hòa vốn nên số nợ mà anh mượn làm vốn ra khơi vẫn còn nguyên.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh - mẹ em Nguyễn Văn Tân (tổ 2 Xuân Hà) cho biết, thời gian qua không có cán bộ đồn Biên phòng 248 dạy dỗ, động viên chắc chắn con chị đã bỏ học.

Thiếu tá Trần Hữu Thanh - Đồn trưởng Đồn 248 nói: Đó chỉ là một trong những công việc mà anh em biên phòng tâm nguyện phải làm hết sức để ngư dân yên tâm bám biển. “Hậu phương được chăm sóc chu đáo, khu phố văn hóa biển luôn an toàn thì ngư dân còn ngại gì. Họ chính là tiền phương của anh em biên phòng mà”, thiếu tá Thanh nói.

Ngư dân - tự vệ trên biển

Việc tìm gặp những ngư dân trong đội dân quân tự vệ trên biển thật khó khăn. Đơn giản giờ này các anh đang ở đâu đó trên Hoàng Sa. Ông Trần Việt Sâm - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự phường Xuân Hà, Đà Nẵng cho biết, phường luôn duy trì lực lượng dân quân tự vệ trên biển với khoảng 25 - 30 người là ngư dân từ 4 năm nay.

“Quận đội, bộ đội biên phòng và chúng tôi thường xuyên tổ chức những lớp huấn luyện, những buổi học về luật biển cho ngư dân. Tàu nào về thì các thuyền viên hoặc thuyền trưởng sẽ tham gia. Vì thế, đội dân quân tự vệ không cố định con người, họ luôn thường trực trên biển và cũng luôn có ở nhà để huấn luyện”.

“Tuyên truyền cho ngư dân về ý thức chủ quyền, luật biển và ranh giới hải phận, cán bộ Biên phòng luôn nói rõ với ngư dân, vùng biển của ta thì ta cứ ra đó đánh bắt. Còn động viên ngư dân là tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho họ bám biển. Trước khi có những chính sách, những hỗ trợ thiết thực và cụ thể thì sự động viên về tinh thần có ý nghĩa rất lớn” - Thiếu tá Trần Công Thành- Phó Tham mưu trưởng BĐBP Đà Nẵng.

Anh Lê Văn Chiến (tàu ĐNA 66… và ĐNA 903…) là ngư dân được tin tưởng giao việc quản lý, đốc thúc và nhắc nhở các anh em ngư dân khác khi ở trên biển.

Anh Chiến tâm sự: Nhờ thường xuyên được huấn luyện nên anh em tin tưởng vào bản lĩnh của mình mỗi lúc đối mặt khó khăn, không chỉ là trong bão tố mà cả khi đối mặt với tàu Trung Quốc. Tương tự anh Chiến, chủ tàu Hồ Văn Lời (ĐNA 901… và 903…) cũng thường xuyên có những thông tin quan trọng về cho đồn biên phòng.

Thuyền trưởng Hồ Văn Minh (con trai ông Lời) nói: “Tham gia dân quân tự vệ biển, tôi hiểu rõ hơn, đâu là biển của mình, đâu là biển của họ, đâu là vùng tranh chấp. Rồi bọn tui còn được học cả luật biển, hay hiệp định phân vịnh Bắc bộ... Đâu phải cứ lên tàu ra khơi là chỉ làm nhiệm vụ đánh cá. Mình còn phải nghe ngóng, quan sát hiện tượng bất thường để kịp báo về. Phải học hết, học để gìn giữ chủ quyền chứ”.

Còn thuyền trưởng Trương Công Chơi (ĐNA 602…) - một trong những tàu đã cùng với tàu anh Lê Văn Chiến dàn hàng ngang ngăn chặn không cho tàu cá Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam, bày tỏ: “Tụi tui nói thiệt, có thể tàu cá nước mình trang bị kém hiện đại hơn tàu cá nước họ, nhưng một số tàu công suất không thua kém. Với lại ở trên biển, tụi tui được học những cách thức tự bảo vệ và quan sát. Nói thẳng là chẳng ai muốn gây hấn nhau trên biển làm gì. Nhưng biển của mình, sao họ dám ngang ngược lấn chiếm?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.