Nghịch lý thiếu giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy tình trạng thiếu giáo viên diễn ra đáng báo động ở mức cấp học nào cũng thiếu và gần như địa phương nào cũng thiếu. Mỗi địa phương có thế khó riêng và không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Nghịch lý thiếu giáo viên ảnh 1
Giáo viên tỉnh Lâm Đồng tập huấn chương trình sách giáo khoa mới. Ảnh: Nghiêm Huê

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT, kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu trên 118 nghìn giáo viên, tăng thêm hơn 11 nghìn so với năm học 2021 - 2022. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn nhu cầu thực tế.

Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập, chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với nhu cầu giáo viên ở các địa phương và tuyển mới không bù kịp so với số giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển việc. Trong khi đó, theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2021 - 2022 có trên 16 nghìn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là gần 10,5 nghìn người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là gần 6 nghìn người. Năm học 2022 - 2023 tái diễn tình trạng này khi cả nước có trên 9,2 nghìn giáo viên nghỉ việc.

Nhìn đâu cũng thiếu

Lãnh đạo Sở GD&ĐT nhiều tỉnh cho rằng cần xem lại việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục; đề nghị Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ban hành quy định cụ thể thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên/lớp, không cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có nét đặc thù…

Nếu theo quy chuẩn, tỉnh Bình Dương còn thiếu hơn 3 nghìn giáo viên. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh này cho hay, để tuyển đủ số giáo viên còn thiếu, Sở đưa ra nhiều biện pháp như thông báo tuyển dụng, đặt hàng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp...

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho hay so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT, tỉnh đang thiếu hơn 10 nghìn giáo viên, do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ. Đồng thời, hằng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết địa phương còn thiếu 836 giáo viên, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn.

Tại tỉnh Yên Bái, vấn đề cấp bách hiện nay là thiếu nguồn tuyển. Tỉnh này đã có chính sách ưu đãi tới 100 triệu đồng/giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn chưa tuyển được giáo viên nào. Tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ tháo gỡ khó khăn bằng cách cho phép tuyển dụng đội ngũ giáo viên đã tốt nghiệp hệ cao đẳng sau đó bố trí kinh phí đào tạo tiếp lên đại học để đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết, năm học 2023-2024, tỉnh có khoảng 350.000 học sinh bước vào năm học mới. Đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp cần thêm khoảng 1.405 giáo viên các cấp học (trong đó đang thiếu nhiều nhất lần lượt là mầm non 428 giáo viên; tiểu học 316 giáo viên; môn tiếng Anh 180 giáo viên, Tin học 125 giáo viên, Ngữ văn 105 giáo viên); có 479 trường trong tỉnh đang thiếu giáo viên phục vụ công tác giảng dạy năm học mới, trong đó tập trung thiếu nhiều nhất ở các trường vùng xa, vùng còn khó khăn.

Các giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra cho năm học mới không tháo gỡ được điểm nghẽn trong tuyển dụng giáo viên hiện nay là yêu cầu cắt giảm biên chế hằng năm 10%, cộng với đó là chưa có quy định về cơ chế đãi ngộ; giáo sinh đào tạo theo đặt hàng nhưng tuyển dụng vẫn theo quy định chung của Bộ Nội vụ.

Không có đột phá

Trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Tuy vậy, về cơ bản không đột phá so với các năm trước. Bộ vẫn chỉ yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng; sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo quy định của Chính phủ. “Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển; thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp”, Bộ GD&ĐT nhận định.

MỚI - NÓNG