Nghĩ vụn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chợt hẫng người khi xem bức ảnh một đứa bé được người thân ném thẳng từ Mexico vào nước Mỹ, qua đoạn sông hẹp Rio Grande.

Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất năm 2023. Cậu bé chừng 2-3 tuổi, mặc chiếc áo màu đỏ như một Spider-Man tí hon, căng cứng người trong cú phi thân băng vào “giấc mơ Mỹ”.

Hannah Reyes Morales, nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Philippines chỉ với cú bấm máy chưa đến một phần trăm giây ấy dường như đã bổ sung thêm một trang quan trọng trong luận đề triết học về định mệnh con người.

Nàng Bạch Tuyết thời nay khả năng sẽ có làn da nâu, trong phiên bản mới của bộ phim kinh điển “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” đang dự định sản xuất. Tuyết sẽ không còn màu trắng, sa mạc đang nở hoa… Con người và thế giới đã thay đổi quá nhiều. Nhưng có lẽ không hoặc ít thay đổi, đó là khát khao được yên ổn, có được hoàn cảnh sống tốt hơn.

Chờ đón một năm mới tâm linh, khi mà năm mới thực tế đã trôi qua cả tháng trời. Cũ và mới như một vòng xoắn ốc không đầu không cuối, vô tận, mà điểm nhìn và ý niệm ngày càng trở nên mơ hồ, dù giữa thời đại chính xác như AI này.

Đứa bé qua ống kính được “tiễn” vào thế giới mới nơi (mặc định) sẽ được “đổi đời”, theo một cách dị thường. Còn chúng ta, tiễn năm cũ và cái cũ ra sao? Vừa trải qua những tháng ngày cả nhân loại phải ngồi im khát thèm được bước chân ra đường. Để giờ đây, mọi thứ trầm lắng hơn, ngơ ngác hơn, không ít người lại muốn ngồi im để được yên ổn.

Thời xa xưa con người ta chia tay năm cũ và đón chào năm mới thế nào? Từ khi còn chưa có lịch, còn trước khi có Phật và Chúa. Tôi cứ tưởng tượng về cuộc chia tay năm cũ đầu tiên của loài người. Nơi hang động, khu rừng sâu, sa mạc hay một nơi chốn hoang vu nào đó. Năm mới đầu tiên với tổ tiên chúng ta được xác định có lẽ bởi kinh nghiệm nhận ra đó là khoảng thời gian đẹp nhất, tiết trời ấm áp cây cối xanh tươi nhất sau chuỗi ngày dài khô cằn, băng giá. Nhưng hãy tưởng tượng, rằng đêm đầu tiên của loài người mới thật dài và thật khó khăn. Bởi nỗi sợ hãi khi bóng tối tràn ngập, và ánh sáng vì một trục trặc nào đó sẽ không bao giờ quay lại nữa!

Chúng ta ngày càng bị buộc phải từ bỏ rất nhiều cái cũ. Khi bao thứ mới mẻ, tân tiến từ công nghệ tới thức nhận, ứng xử nhân tình, nhân tính cứ thi nhau xô đến ào ạt, vội vã, mà chúng ta không thể cưỡng lại, cũng không đủ thời gian để lựa chọn. Nếu không, sẽ bị hất văng mà không kịp biết.

Sự tích Tết Nguyên đán đầy tâm linh của người Á Đông thường mang ý nghĩa của sự xua đuổi và chào đón. Trang trí nhà cửa sặc sỡ, đỏ lửa bập bùng, tạo ra những tiếng nổ lớn để xua đuổi loài thú đói, tượng trưng cho những thứ cũ kỹ, xui xẻo. Rất có thể, chỉ khoảng vài ba thế hệ nữa, khái niệm “Tết” như chúng ta đang chờ đón sẽ không còn nữa. Đến như ước muốn được “mồ yên mả đẹp” bao đời, giờ đây đã không còn linh nghiệm nữa, khi ngày càng nhiều người chọn cách rải hết tro bụi xác thân ra sông suối, núi đồi. Điều đó tốt hay xấu, nên hay không, thực sự rất khó xác định.

Nó cũng mông lung như cái vòng xoáy trôn ốc cũ-mới giữa đời sống đang dần phải chen lấn với AI và rô bốt này.

MỚI - NÓNG
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
TPO - Dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội lần đầu được thông qua năm 1994. Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội 30 năm trước - nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông tiết lộ quá trình trùng tu công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi Thủ đô Hà Nội.