Tờ Newsweek đưa tin, Ukraine được cho là đã tấn công hệ thống phòng không của Nga bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS ở Cape Tarkhankut, mũi phía tây của Crimea. Cuộc tấn công diễn ra vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/4.
Tên lửa tầm xa ATACMS tấn công hệ thống phòng không Nga ở Crimea hồi tháng 8/2023. |
Ấn phẩm lưu ý rằng, Ukraine có thể đang chuẩn bị một chiến dịch đặc biệt nhằm phá hủy cầu Crimea nên các hệ thống thống phòng không trên khắp bán đảo đang là mục tiêu được nhắm đến.
Hiện cả Nga và Ukraine đều chưa bình luận về sự việc này.
Tuy nhiên, trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ nhật cho biết trong 24 giờ qua, các hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 5 tên lửa ATACMS và 46 máy bay không người lái của Ukraine.
Theo bộ này, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã phá hủy 593 máy bay quân sự, 270 máy bay trực thăng, 23.587 máy bay không người lái, 509 hệ thống tên lửa phòng không, 15.869 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.275 phương tiện chiến đấu thuộc hệ thống tên lửa phóng loạt, 9.189 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 21.372 đơn vị xe quân sự đặc biệt.
ATACMS được tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển và sản xuất từ những năm 1990. Tên lửa được thiết kế để sử dụng cho tổ hợp pháo phản lực HIMARS, có khả năng vô hiệu hóa các sở chỉ huy và phá hủy kho vũ khí, đạn dược của đối phương.
ATACMS được trang bị nhiều loại đầu đạn, bao gồm đầu đạn chùm để tấn công nhiều mục tiêu, cũng như đầu đạn dẫn đường để tấn công chính xác các mục tiêu chiến lược. Vì vậy, nó được coi là một vũ khí đa chức năng, có khả năng thích ứng với nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
Phiên bản ATACMS được gửi tới Ukraine là MGM-140A có tầm bắn 165 km. Tên lửa này có khả năng giải phóng 950 quả đạn con, gây sát thương trên một khu vực rộng lớn.
Quan chức Mỹ hôm 24/4 tiết lộ Mỹ đã gửi tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km cho Ukraine. Vũ khí này nằm trong gói viện trợ quân sự khẩn cấp trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi tháng trước.