Nghệ sỹ nhiếp ảnh Tam Thái nói về vụ đạo sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới”

NSNA Tam Thái. Ảnh: NVCC
NSNA Tam Thái. Ảnh: NVCC
TP - “Từ vụ lùm xùm Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới, tôi đâm nghi ngờ những cuốn sách khác của ông Mạnh Thường và cả những cuốn từng được giải thưởng Hội NSNA Việt Nam” - Tam Thái, người được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc phát biểu.

Đầu tiên tôi lấy làm thắc mắc, vì việc xảy ra đã mười mấy năm rồi. Năm 1999 Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới in nhưng không ai phát hiện vấn đề của nó, vì sách này dựa vào tiếng Đức mà tiếng Đức thì không phổ biến. Nhưng đến lần in thứ hai, dự giải thưởng năm 2011, có người đã phát hiện nó không phải sách sáng tác mà chỉ là dịch, thế mà vẫn cố tình trao giải thì có phải là bên trao và bên nhận có vấn đề.

Theo dõi vụ việc trên báo Tiền Phong tôi thấy lúc đầu Hội có vẻ không định rút giải của ông Mạnh Thường nhưng sau thấy tình hình căng, ông Mạnh Thường cũng không còn đường lùi thì đành thu hồi giải nhưng lại cho đây là việc nhỏ!

Lần đầu thấy Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới tôi cũng rất nể, vì năm 1999 mạng internet chưa phát triển mà không biết ông lấy tư liệu ở đâu hay quá. Trước đây rất kính nể Mạnh Thường, thấy sao ông nhiều sách quá, nhiều cuốn còn tầm cỡ thế giới. Sức làm việc của ông thật phi thường. Để làm cuốn sách 550 trang 150 năm nhiếp ảnh Sài Gòn (NXB Trẻ) trong đó vừa biên khảo vừa có ảnh của tôi, tôi phải bỏ 10 năm. Thế mà ông có mấy chục đầu sách. Nể về sách nhưng thật ra tôi không nể ông trong vấn đề nhiếp ảnh và đã có lần đụng ông trong một bài viết trên tạp chí Thế giới ảnh.

Sự việc đã đến mức này, tôi nghĩ Hội phải làm cho rõ không thể buông trôi được. Đây là vấn đề đạo đức. Ông Mạnh Thường phải trả lại giải và công khai xin lỗi. Ông làm tụi tôi mang tiếng lây. Nếu một hội viên bình thường thì khác đằng này ông là người vai vế, từng là Phó Ban Lý luận Phê bình lại làm trong ngành xuất bản. Ông làm mất mặt Hội quá.

Bây giờ nếu khai trừ thì quá nặng mà cũng không cần thiết, vì dù còn là hội viên ông cũng không đóng góp được bao nhiêu. Nhưng ngoài trả lại giải, nhân dịp này ông nên thành thật nói rõ những cuốn khác của ông cuốn nào là sáng tác, cuốn nào dịch, biên soạn, không lung tung thể loại. Trước kia tôi rất kính nể Mạnh Thường nhưng nay lòi ra quyển này tôi đâm hoài nghi. Với lại người ta có giỏi cũng chỉ vài lĩnh vực thôi đằng này gì ông cũng làm, sách văn hóa, nhiếp ảnh, lịch sử, từ điển...

Bạn hỏi, đạo một bức ảnh mà bị khai trừ thì có nặng quá không (Bùi Vy Vân đạo Đỗ Hữu Tuấn)? Hội viên đó mới, không tên tuổi lắm. Khai trừ, cũng nặng nhưng có lẽ cũng nên có một trường hợp bị nặng như vậy để răn đe. Bản thân tôi bị đạo ảnh nhiều rồi. Thường mỗi khi như vậy tôi làm lơ thôi nhưng có dịp thì cũng lên tiếng, không thì người ta ngựa quen đường cũ, xã hội loạn hết.

Khi phát hiện bị đạo, tôi chỉ kể cho anh em nghe, vì ảnh tôi đã có giải, được khẳng định rồi, người ta có đạo thì những người khác cũng nhận ra. Những người mới chơi ảnh, còn thiếu nhiều thứ thì tôi cũng bỏ qua, nếu gặp tôi vỗ vai nói nhỏ thôi đừng làm vậy, đến lúc bể chuyện, không hay.

Đạo ảnh xảy ra nhiều và có nhiều hình thức lắm: Lấy ảnh người khác thêm bớt rồi biến thành ảnh của mình. Hay là lấy cái ý mà người ta từng chụp rồi mình chụp theo cái ý đó. Nếu chụp theo ý đó mà sáng ý hơn, kỹ thuật hay hơn thì cũng chấp nhận nhưng nhiều khi không như vậy. Ví dụ tôi là người đầu tiên sau 1975 nhận giải thưởng cao nhất, nhiều tiền nhất khi chụp chợ trên sông ở Cà Mau năm 1996, đoạt giải của báo Sài Gòn Tiếp thị trị giá 10 triệu tương đương 2 cây rưỡi vàng lúc đó. Tôi chụp chợ trên sông treo cây trái trên ghe thuyền. Sau đó có người chụp giống kiểu của tôi nhưng xấu hơn nhiều và cũng được giải (cười).

Tam Thái là nghệ sĩ - giảng viên nhiếp ảnh, tác giả 5 đầu sách ảnh và nhiều giải thưởng.

MỚI - NÓNG