Những vụ đạo thơ văn “nổi tiếng” ĐBSCL

TP - Vùng đất ĐBSCL vốn được tiếng mộc mạc, thật thà, hào phóng nhưng gần đây cũng rộ lên nạn đạo văn, đạo thơ làm lem luốc hình ảnh thơ văn rất nhiều. Xin lược lại vài vụ “nổi tiếng”.

Thầy đạo thơ

Ông Cao Phú Cường, giáo viên dạy văn ở một trường THCS tỉnh An Giang và có làm thơ. Tuy nhiên, ông “nổi tiếng” ở việc liên tục lấy thơ người khác gửi đăng báo, tạp chí và dự thi.

Những vụ đạo thơ văn “nổi tiếng” ĐBSCL ảnh 1

Ông Trần Minh Tạo bị đạo tác phẩm bút ký dài 94 trang giấy A4. Ảnh: Sáu Nghệ.

Cuộc thi thơ ĐBSCL lần 5 năm 2012, Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức, ông Cường đạo thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài để dự thi và đã lọt vô vòng chung khảo mới bị phát hiện. Bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã in trong tập Ngan ngát hương xưa, bị ông Cường lấy khoảng 80% chế biến thành bài Về đồng mùa nước nổi để dự thi.

Khi mới bị phát hiện, ông Cường cho là ông và Trịnh Bửu Hoài “cảm xúc đồng điệu”, nên viết lá thư dài 4 trang gửi ban tổ chức để biện minh ông không đạo thơ. Nhưng sự thật không thể lấp liếm! Sau đó, ông Cường gọi điện xin lỗi Trịnh Bửu Hoài là “đọc lâu ngày nên quên và đã mượn một số câu chữ, hình ảnh”, còn bài thơ đạo bị loại khỏi cuộc thi.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH&NT thành phố Cần Thơ tỏ ra thông cảm cho ông Liêm người mất chức vì đạo văn và nói với phóng viên Tiền Phong về một sự thật nhức nhối: “Liêm đạo bài văn mà xin từ chức là còn tự trọng hơn nhiều người ăn cắp cả cuốn sách, cả công trình nhưng vẫn bình thân, thậm chí thành sao”.

Qua vụ đạo thơ đem đi thi, dư luận nhớ lại, trước đó, ông Cường từng ba lần đạo thơ. Năm 2008, ông lấy bài Áo bà ba của nhà thơ Bùi Văn Bồng gửi đăng lucbat.com vẫn với tựa Áo bà ba, giống nhau đến 90%, có nhiều câu để nguyên. Điều hài hước, Bùi Văn Bồng cũng gửi bài thơ của mình đăng trên trang lucbat.com, là đại diện lucbat.com ở Cần Thơ; còn ông Cường với bài thơ đạo là đại diện lucbat.com ở An Giang. Sau đó, bài của ông Cường bị rút xuống.

Năm 2011, ông Cường cũng đạo bài thơ Ngắn dần viên phấn của nhà thơ Vương Thảo để đăng trên blog Văn An Giang, vẫn để tựa Ngắn dần viên phấn.  Bài thơ của Vương Thảo viết và đã in những năm 1990 của thế kỷ 20 nên ông Cường không thể chối cãi.

Cũng năm đó, ông Cường gửi in bài thơ Khát nhà trên “Tuyển tập thơ Trẻ An Giang năm 2011”, bị phát hiện xào xáo từ hai bài thơ Tiếc lắm thay của nhà thơ Vũ Thị Huyền và bài Lời ru con của người yêu cũ của nhà thơ Phạm Ngà. Nhiều câu xào xáo rất rõ. Như Vũ Thị Huyền viết: Ta về gặp nắng trong mưa/Gặp buồn trong nhớ, gặp trưa trong chiều, thì ông Cường viết: Bất ngờ gặp nắng trong mưa/Gặp thực trong mộng, gặp trưa trong chiều.

Dư luận còn phát hiện một vụ nữa là tròn 5 vụ ông Cường đạo thơ. Vụ này “nổi tiếng” nhất vì đạo bài thơ nổi tiếng Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến. Ông Cường chỉ thêm một chữ vào tựa, thành Tổ quốc tôi nhìn từ biển gửi đăng Văn nghệ Đồng Tháp số Xuân Quý Tỵ - 2013. Có rất nhiều câu đạo rõ ràng.  Nguyễn Việt Chiến viết Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ thì ông Cường: Bạch Long Vĩ gối đầu trên sóng dữ. Nguyễn Việt Chiến viết: Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi thì ông Cường: Chí dân tộc nghìn đời không thể mất/Vạn bóng tàu xanh biếc tỏa ra khơi.

Quan đạo văn

Ông  Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp kiêm Thư ký tòa soạn tạp chí Nghiên cứu Khoa học của Hội này, đứng tên bài Điều gì xảy ra ở Hồng Ngự trước ngày 30/4/1975 đăng tạp chí số 36- tháng 4/2012. Bài của ông Thành copy phần lớn bài Trận cuối cùng đánh địch tại Mương Lớn-An Bình (Hồng Ngự) của ông Trần Minh Tạo viết tháng 6/2010.

Ông Trần Minh Tạo ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), viết tự do nhiều thể loại thơ, truyện, ký, lý luận phê bình, khảo cứu và là CTV của báo Tiền Phong. Bài của ông Tạo là ký sự dài 94 trang A4, viết về 14 trận đánh của đại đội địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ, chỉ có một bản duy nhất gửi cho Ban liên lạc Đại đội địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ. Ông Thành ở Hội Khoa học lịch sử tỉnh, có được bản của ông Tạo, lấy luôn trận đánh thứ 14 đem vô bài viết của mình.

Khi phát hiện ông Thành đạo văn của ông Tạo đăng trên tạp chí Nghiên cứu Khoa học thì còn thấy ra vấn đề lớn hơn. Đó là một số vị cựu quan chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp (ông Thành là cựu Trưởng phòng Lịch sử Ban Tuyên giáo) hợp đồng viết lịch sử cho huyện Hồng Ngự, nhan đề “Biên niên sự kiện lịch sử Đại đội địa phương quân Hồng Ngự”, tổng số tiền ngân sách chi ra 210 triệu đồng (hợp đồng ký ngày 11/7/2011). 

Trong đó, theo cựu Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Đức Hiển, tiền biên soạn là 50 triệu đồng, còn lại cho hội thảo, in ấn. Cuốn “Biên niên…” khi đang ở bản thảo, dài 103 trang A4, kết cấu y như tác phẩm của ông Tạo, và phần cốt lõi là các trận đánh, đã sử dụng tác phẩm của ông Tạo, nhiều đoạn nguyên văn. Nhưng ông Tạo không được chi một xu, khi phát hiện bị đạo văn, ông Tạo chỉ yêu cầu bản in chính thức phải đề tên ông vào nhóm tác giả, cùng với các cựu quan chức tuyên giáo.

Ở Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Trương Thanh Liêm cũng đạo văn mà bị “cho thôi chức” vào đầu năm 2012. Ông Liêm là Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền (Cần Thơ) được điều về Liên hiệp các Hội VH&NT thành phố Cần Thơ làm Chánh văn phòng vào tháng 9/2011, đến tháng 11 cùng năm, được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn.

Ông Liêm lấy một bài trên báo Cần Thơ, gửi đăng tập san Áo Trắng dịp tết, sau đó bị phát hiện. Ban đầu, ông Liêm viện nhiều lý do mà theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH&NT thành phố Cần Thơ là “quanh co, không thành khẩn”. Cuối cùng, ông Liêm nhận ra khuyết điểm, làm đơn từ chức và cấp có thẩm quyền chấp thuận.

MỚI - NÓNG