Nghe chuyện thoát nghèo ở quê hương Nam kỳ khởi nghĩa

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
TP - Hòa Tú 1 là xã Anh hùng (thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Nơi đây vốn là căn cứ địa cách mạng và là địa chỉ đỏ của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Vùng đất này từng nổi tiếng nghèo khó, nhưng giờ đang từng ngày thay da đổi thịt và người dân tự tin vươn lên thoát nghèo.

Từ trung tâm tỉnh Sóc Trăng theo quốc lộ 1A về hướng Bạc Liêu, qua khỏi thị trấn Nhu Gia của huyện Mỹ Xuyên rẽ trái hơn chục cây số là đến xã Anh hùng Hòa Tú 1. Hiện nay đường sá ấp liền ấp, xã liền xã đều được tráng nhựa phẳng lỳ, rộng rãi. Hai bên đường là những ao tôm, xen lẫn những ngôi nhà khang trang, ven đường trồng nhiều hoa. Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tú 1 Trần Tấn Nhanh là dân cố cựu ở xứ này. Ông kể, đây là vùng căn cứ kháng chiến, chục năm về trước nơi đây còn nghèo xơ xác, đường sá đi lại khó khăn nên từ thành phố Sóc Trăng muốn đến được đây chủ yếu phải đi đò, mất cả buổi. Đây cũng là vùng đất nằm giữa ranh nước mặn và ngọt (6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt) rất khó làm ăn nên phần lớn đất đai hoang hóa. Những năm gần đây, nhà nước đầu tư đường giao thông nông thôn rồi kéo điện đến tận ngõ ngách để phục vụ người dân nên tạo động lực cho họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Làng triệu phú

Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1 Trương Hoàng Khai cho biết, diện tích nuôi tôm của xã ngày càng được mở rộng. Hầu hết người dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh cải tiến, thả mật độ gần 30 con/m2 tổng sản lượng thu được có năm xấp xỉ 8.000 tấn. Trong xã có 1.585 ha ruộng cạn, sau mỗi vụ tôm lại sạ lúa, chủ yếu là loại đặc sản, giá trị cao nên đời sống người dân dần khấm khá. Tỷ lệ hộ nghèo của xã theo chuẩn mới hiện chỉ còn dưới 4%. Trong khi đó, số hộ giàu ngày càng tăng. Riêng ấp Hòa Phuông không có hộ nghèo và có gần nửa trong tổng số 290 gia đình thuộc diện giàu có, với mức thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ba anh em ông Hà Văn Tấn, Hà Văn Bé, Hà Văn Việt nuôi tôm trúng bảy vụ liền, năm nào cũng thu bạc tỷ. Ấp Hòa Trung cũng có rất nhiều hộ giàu nhờ nuôi tôm. Ông Bùi Văn Thiện (62 tuổi) là một trường hợp tiêu biểu với tài sản không dưới 10 tỷ đồng.

Đây là vùng căn cứ kháng chiến, chục năm về trước nơi đây còn nghèo xơ xác, đường sá đi lại khó khăn nên từ thành phố Sóc Trăng muốn đến được đây chủ yếu phải đi đò, mất cả buổi.

Tại địa phương cũng đã hình thành nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả và phát triển bền vững, giúp những người nghèo trước đây thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả, giàu có. Mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất tôm-lúa và HTX nông ngư Đê Hòa là một điển hình.

“Thu nhập hằng năm của HTX Đê Hòa lên đến hàng trăm triệu đồng/ha. Quan trọng là người dân đã thay đổi nhận thức chuyển sang sản xuất sạch để nâng cao giá trị con tôm”- ông Khai phấn khởi nói.

Ông Mã Văn Hồng-Giám đốc HTX nông ngư Đê Hòa cho biết, tiền thân của HTX hiện nay là tổ hợp tác, thành lập năm 2009 với 18 thành viên. Đến nay, HTX có 60 thành viên với tổng diện tích 73 ha, trong đó người nhiều đất nhất trên 3 ha. Có năm HTX thu hoạch gần 100 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và 13 tấn lúa, doanh thu 8 tỷ đồng, trừ chi phí bình quân lãi gần 100 triệu/ha. Giám đốc Hồng tự tin xác định, từ ngày thành lập HTX (2013) đến nay, các thành viên tuyệt đối không dùng hóa chất và kháng sinh, chỉ sử dụng men vi sinh và sử dụng tỏi khi tôm nhiễm bệnh. Ngay cả khi trồng lúa cũng không sử dụng thuốc hóa học, không cả cày bừa đáy ao. Như để chứng minh, ông Hồng chỉ ra phía sau nhà, nơi có các đám ruộng đang nuôi tôm. Vài tháng nữa mưa xuống có nước ngọt sẽ sạ lúa đến gần Tết âm lịch thu hoạch, ra Tết lại thả giống nuôi tôm. “Mỗi thành viên đều ý thức là phải sản xuất sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh, nhờ đó, vào cuối năm ngoái nhiều doanh nghiệp đăng ký bao tiêu luôn sản phẩm, mặc dù giá bán lúc nào cũng cao hơn nơi khác”- ông Hồng thông tin.

Với cách làm đó, rất nhiều thành viên hợp tác xã thu hoạch với lợi nhuận cao. Ông Hồng một trong số đó. Với 2,7 ha tôm - lúa, hàng năm ông lãi 230 triệu đồng. “Nhờ tôm mà từ ba năm nay gia đình có tiền cất căn nhà trị giá hơn 400 triệu đồng khang trang như bây giờ”- ông Hồng chia sẻ. Cũng nhờ tôm, ông nuôi hai đứa con ăn học một cách thong thả.  Người thu cao nữa là vợ chồng lão nông tuổi thất tuần Trần Văn Chính. Với 3,2 ha, vợ chồng ông thu được 4,2 tấn tôm, 8,5 tấn lúa; tổng lời 250 triệu đồng. Số tiền lời này, ông bà gửi tiết kiệm. Chi tiêu hàng ngày của ông bà đã có cá nuôi xen trong ao và rau màu trồng trên bờ. “Trước đây dân xứ này khổ lắm, khi nước ngọt còn có lúa ăn, khi mặn vào thì chào thua. Nhưng bây giờ, dân xứ này đã ứng biến linh hoạt với biến đổi khí hậu nên chủ động làm ăn, đời sống khá giả”- ông Chính nói.

Nghe chuyện thoát nghèo ở quê hương Nam kỳ khởi nghĩa ảnh 1 Người dân thăm tôm ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Hòa Hội.

Linh hoạt xây dựng nông thôn mới

Đến thời điểm hiện tại, Hòa Tú 1 đã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, các con đường ở Hòa Tú 1 được bê-tông hóa, trường học, trạm y tế… được xây dựng khang trang. Nhiều nhà cửa trong khu dân cư bề thế, vững chãi. Cơ sở kinh doanh vật tư, phân bón, ương giống tôm… mọc lên khắp nơi. Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng đường sá, trường học, nhà tình thương, tình nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Sắc-Bí thư Huyện ủy Mỹ Xuyên cho biết, chủ trương của huyện là không chạy theo thành tích trong việc xây dựng nông thôn mới. Vì điều kiện còn nhiều khó khăn nên huyện triển khai mà làm cuốn chiếu, tiềm lực đến đâu làm đến đó, đặc biệt không để xảy ra nợ đọng.

Nghe chuyện thoát nghèo ở quê hương Nam kỳ khởi nghĩa ảnh 2 Người dân ở xã nông thôn mới Hòa Tú 1.

Ông Trần Quốc Quang-Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm, huyện có chiến lược, kế hoạch cụ thể là các công trình nào cần ưu tiên làm trước để trình tỉnh xem xét bố trí vốn, công trình nào vận động dân làm. Đặc biệt, tỉnh có chủ trương linh hoạt trong việc triển khai các tiêu chí nên việc triển khai thực hiện rất hài hòa, hiệu quả, tránh lãng phí. Chẳng hạn, không nhất thiết mỗi ấp phải xây dựng nhà văn hóa hay mỗi xã phải có chợ.

Ví dụ, xã Hòa Tú 1 cách chợ Nhu Gia chừng dăm cây số, mấy chục năm nay người dân đã quen đến đó mua sắm, sinh hoạt nên không cần thiết phải xây chợ tại Hòa Tú 1 cho đủ tiêu chí theo quy định, vì sẽ gây lãng phí mà lại không hiệu quả. Ông Quang cho biết thêm, nhờ cơ chế chính sách đồng bộ trong hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới tạo nên bước đột phá, thu hút được một lượng lớn nguồn lực đầu tư của địa phương. Người dân hào hứng đóng góp sức người, sức của tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trong huyện.

Hòa Tú (nay là Hòa Tú 1) là một địa chỉ đỏ của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Khởi nghĩa tại Hòa Tú diễn ra ngày 23/11/1940, do Chi bộ đảng lãnh đạo và giành được thắng lợi. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà làng Hòa Tú. Đình Hòa Tú (được xây dựng từ thời nhà Nguyễn) là nơi xuất quân khởi nghĩa. Trước giờ xuất quân, đồng chí Văn Ngọc Chính-Bí thư Chi bộ đọc lời tuyên thệ: “Hôm nay, Xứ uỷ đã quyết định toàn xứ Nam kỳ nổi dậy. Chúng tôi, những người cộng sản quyết cùng với nhân dân làng Hoà Tú thề chiến đấu đến cùng, bất cứ tình thế nào cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ”. 

MỚI - NÓNG