Biên cương thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách

Chị Hoàng Thị Dung, xóm Lũng Lo, xã Đoài Côn phát triển đàn lợn được vốn ngân hàng chính sách đầu tư.
Chị Hoàng Thị Dung, xóm Lũng Lo, xã Đoài Côn phát triển đàn lợn được vốn ngân hàng chính sách đầu tư.
TP - Cao Bằng đang thay da đổi thịt từng ngày, trong đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của dòng vốn tín dụng chính sách. Nhờ những đồng vốn lưu động hiệu quả này, hàng trăm nghìn hộ dân đã thoát nghèo, nhiều bà con vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương.

Tạo cần câu lâu bền

Chúng tôi đến Bản Giốc, xã Bàn Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) trong buổi chiều tà những ngày cuối tháng Tám.

Bên chén trà vừa rót, chị Phương Thị Cưu nhớ lại những ngày tháng nghèo khó, khi tài sản duy nhất của gia đình  chỉ vỏn vẹn 2 chiếc bè chở khách du lịch tham quan thác Bản Giốc bị trận lũ lịch sử năm 2001 cuốn trôi. Luẩn quẩn trong cái nghèo, bĩ cực trong khi chồng là thương binh lúc trái gió, trở trời cái ốm cái đau hành hạ.

Đến năm 2003, được Hội Phụ nữ giới thiệu và Tổ tiết kiệm vay vốn bình xét, gia đình chị vay 3 triệu đồng từ NHCSXH. Số vốn này, chị đầu tư vào làm thuyền bè, tiếp tục phục vụ khách du lịch trong nước tham quan thác và nuôi thêm 2 lợn nái. Rồi từ đó chị tiếp tục mở rộng kinh doanh, cho đến giờ cửa hàng dịch vụ ăn uống bán đồ lưu niệm cho khách du lịch của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương cho mỗi lao động  là 3,5 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập đều đặn này đã tạo điều kiện cho bà con trong bản ổn định cuộc sống trên vùng cao nơi biên ải của tổ quốc.

Tại xóm Lũng Lo, xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) - nơi tập trung chủ yếu của đồng bào Tày, Nùng, chị Hoàng Thị Dung, hộ gia đình vay vốn tiêu biểu cho biết: Trước kia cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào những ngày đi kiếm củi để bán. Qua 3 lần vay vốn NHCSXH, bắt đầu từ 5 triệu đồng không lãi năm 2009, rồi chương trình hộ nghèo gia đình đầu tư nuôi bò thịt, lợn nái và khơi thông nguồn nước phục vụ lúa, vườn rau, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm để đến nay thu nhập gia đình ngót 100 triệu đồng, thoát nghèo bền vững. Hiện, gia đình chị đã cất được căn nhà 3 gian thoáng đãng, con cái học hành đầy đủ. Chị còn mở thêm sạp tạp hóa nhỏ phục vụ bà con trong chòm xóm. 

Tại huyện nghèo biên giới 30a Hà Quảng đã luôn chủ động tìm cách thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh sống và canh tác của đồng bào. Ông Lò Văn De, xóm Noóc Mò, xã Phù Ngọc cho biết: Từ chỗ chỉ biết canh tác manh mún trên đất nương lẫn đá, đời sống khó khăn, giờ đây gia đình ông De đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả, tiếp cận kỹ thuật nuôi bò, trồng  cây lạc đem lại thu nhập đáng kể đến nay cũng đã có tích lũy.

Đánh thức tiềm lực kinh tế vùng

Theo báo cáo,  giai đoạn từ năm 2011 - 2015, nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng gần 2.500 tỷ đồng với 118 ngàn lượt hộ vay vốn. Từ đó đã góp phần giúp 38.393 hộ thoát nghèo; thu hút  trên 39 nghìn lao động có việc làm…

Giám đốc NHCSXH tỉnh Cao Bằng, Dương Tiến Thanh cho biết:  “Để đạt được kết quả trên, NHCSXH đã tổ chức thực hiện, giải ngân vốn trực tiếp đến tận tay khách hàng ngay tại Điểm giao dịch xã, trước sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, của chính quyền và nhân dân, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai và dân chủ. Đến nay, vốn tín dụng chính sách đã đến với tất cả các đơn vị xã, thị trấn, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh, không còn xã trắng, xóm trắng về nguồn vốn tín dụng ưu đãi.”

Nhận định về vốn tín dụng chính sách đối với chương trình giảm nghèo tại Trùng Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện La Văn Hồng đánh giá: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn cho bà con có điều kiện để sản xuất nông, lâm nghiệp, có cây giống, vật nuôi sản xuất giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập; đặc biệt ý nghĩa với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên trong việc tạo việc làm góp phần xóa đói, giảm nghèo. 5 năm qua (2011- 2016) vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 400 hộ dân ở Trùng Khánh thoát được nghèo. Điều quan trọng vốn tín dụng chính sách góp phần thay đổi tư duy của đồng bào trong việc làm giàu phát triển kinh tế từ nông nghiệp.”

Cùng với đó, các chính sách “cho không” sẽ giảm dần, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo tâm lý ỷ lại. Để làm được điều này, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, cùng sự thay đổi nhận thức căn bản của chính những người dân.

Để công cuộc giảm nghèo tiếp tục được bền vững việc cho vay vốn theo QĐ 54, nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2012 - 2015 chưa đáp ứng được nhu cầu vay của nhiều hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Vì vậy việc cần nhiều giải pháp đồng bộ và nguồn lực để giúp bà con trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới hiệu quả tạo ra một "cần câu" thật sự để khai thác tiềm năng, đất đai và lao động sẵn có tại địa phương. 
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.