Thoát nghèo nhờ bạch mã

Ngựa bạch tại Hữu Kiên được chăn thả tự nhiên trên đồi cỏ. Ảnh: Hồng Vân
Ngựa bạch tại Hữu Kiên được chăn thả tự nhiên trên đồi cỏ. Ảnh: Hồng Vân
Những đồi cỏ rộng là nơi người dân xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn) chăn thả ngựa bạch. Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống ngựa này đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Đường đến xã Hữu Kiên uốn lượn quanh co, phải vượt qua nhiều núi cao, cây cối ngút ngàn. Trên các sườn đồi thoai thoải vươn dài nối tiếp nhau, xuất hiện bóng những con ngựa đang thong dong gặm cỏ. Hữu Kiên nổi tiếng với nghề nuôi ngựa bạch, hiện toàn xã có hơn 500 con, chiếm gần 1/3 số ngựa nơi đây.

Hơn 20 năm nuôi ngựa bạch, anh Nông Văn Quang (thôn Co Hương) cho biết, để phân biệt ngựa bạch và ngựa trắng phải dựa vào những đặc điểm như: toàn thân ngựa có lông màu trắng, da trắng hồng, viền mắt màu hồng, con ngươi màu đỏ hồng, nếu soi đèn vào mắt ngựa ban đêm có màu đỏ rực. Mũi, miệng và bộ phận sinh dục của ngựa có màu hồng đỏ, bộ móng màu trắng ngà.

Ngựa bạch di chuyển chậm chạm nhưng khỏe mạnh, ít ốm đau, các bệnh thường gặp như tụ huyết trùng đều có thuốc chữa. “Nhà tôi có 8 con ngựa bạch và 2 con ngựa thường. Ngựa bạch sức chống chịu thời tiết tốt, trong đợt mưa tuyết đầu năm, chúng tôi vẫn chăn thả và không bị chết như trâu bò", anh Quang nói thêm.

Thông thường người dân thả ngựa bạch trên đồi từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau vì thời gian đó chưa cấy lúa, sáng mở chuồng lùa chúng đi rồi tối muộn mới tìm về. Một số hộ thả tự nhiên có khi cả tuần mới cho về chuồng, ngựa đi theo đàn nên không sợ lạc.

Thoát nghèo nhờ bạch mã ảnh 1

Người dân địa phương chăm sóc ngựa khá đơn giản, ngoài ăn cỏ thì ngựa bạch ăn ngô, cám. Ảnh: Hồng Vân

Thức ăn của ngựa bạch chủ yếu từ nguồn cỏ cây dồi dào trên đồi núi, khi về nhà được chủ bổ sung ngô, cám. Theo anh Nông Văn Hải (thôn Suối Mạ), ngựa bạch cái 3 năm có thể sinh sản và "đẻ rất khỏe”. Thời gian ngựa mang thai là 11 tháng, ngay sau khi sinh con 10-30 ngày, ngựa mẹ đã có thể phối giống.

Việc chọn ngựa bố cho phối rất quan trọng, mỗi lần muốn phối giống anh Hải phải gọi điện tới nhà có nuôi ngựa bạch đực với các tiêu chí to, cao, béo, khỏe để hẹn ngày, rồi đem ngựa cái nhà mình xuống. Khi đông người có nhu cầu phối giống cho ngựa, anh Hải phải đợi khá lâu. “Mấy năm trước phối giống khá dễ và rẻ chỉ 200 nghìn mỗi lần, nhưng giờ phải 600 nghìn đồng người ta mới đồng ý cho mang ngựa cái xuống”, anh Hải cười nói.

Mỗi người nuôi ngựa đều phải biết tính tình của từng con trong đàn, có con hiền lành nhưng có con rất hung dữ. Trong đàn 8 con ngựa bạch của gia đình, anh Quang thuộc lòng tính cách của chúng. 4 con cái đều rất bênh con và khó tính, người ngoài khó lòng động vào chúng được, đặc biệt khi đang ăn. Chỉ có chủ mới chải bờm ngựa, vuốt ve chúng mà không lo bị đá. Vậy nên mỗi khi nhà nào thịt ngựa đều đem đi nơi khác thịt vì hàng ngày bầu bạn với chúng, không ai nỡ nhìn cảnh con vật bị đem ra xẻ thịt.

Thoát nghèo nhờ bạch mã ảnh 2 Ngựa bạch được người dân trong xã coi như “sổ tiết kiệm” để khi nào có công việc thì bán. Ảnh: Hồng Vân
Không giống ngựa thường nuôi lấy sức kéo, ngựa bạch chủ yếu nuôi lấy thịt và nấu cao. Mỗi con non sau khi cai sữa 5 tháng được thương lái mua với giá khoảng 20 triệu. Ngựa 3 năm tuổi có giá khoảng 60 triệu, những con già hơn một chút để lấy xương nấu cao giá 70-80 triệu đồng. Mỗi năm 4 con ngựa cái nhà anh Quang đều đẻ con, chọn con khỏe mạnh anh để lại, những con khác đem bán. 

  

Ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch xã Hữu Kiên cho biết, ngựa bạch được người dân chăn nuôi từ hơn 30 năm trước, nhận thấy giống này hợp với khí hậu và sinh trưởng tốt nên nhiều nhà phát triển đàn. Mặc dù vốn ban đầu tương đối cao nhưng chăn nuôi ngựa bạch không mất nhiều công sức, tận dụng luôn nguồn cỏ, ngô, thóc có sẵn nên chúng lớn nhanh, được nhiều khách tìm mua.

“Chính quyền huyện, xã cũng đã có những hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăn nuôi ngựa bạch cho bà con để giúp xóa đói giảm nghèo, nhất là trong điều kiện Hữu Kiên thuộc xã vùng 3 khó khăn”, vị chủ tịch nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.