Cánh cửa nào giúp Tây Bắc thoát nghèo?

Cánh cửa nào giúp Tây Bắc thoát nghèo?
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, trong lành và một cộng đồng đa sắc tộc với huyết hệ, ngôn ngữ, phong tục, truyền thống, tín ngưỡng đầy màu sắc... vậy mà Tây Bắc bao năm qua vẫn… nghèo bền vững.

Cái nghèo bước ra từ truyền kiếp

Một lần đến xã Bản Luốc, Hoàng Su Phì, Hà Giang, tôi gặp Giàng A Lếnh, 15 tuổi học sinh lớp 5, cậu bé hiếu học và có trình độ học vấn cao nhất so với các bạn cùng trang lứa. Tôi hỏi em có thích đi học không? Em trả lời : “Có thích. Nhưng chắc sẽ dừng lại thôi. Vì học thêm thì cũng chẳng biết làm gì. Vẫn đói vẫn nghèo mà.”

Cánh cửa nào giúp Tây Bắc thoát nghèo? ảnh 1

Có lẽ không chi Giàng A Lếnh mà rất nhiều những đứa trẻ vùng cao đều không có ý định học cao hơn. Bởi từ nhiều năm qua, lũ trẻ thiếu may mắn này vốn đã cam chịu và chấp nhận cuộc sống chật vật, thiếu thốn. Sự đói nghèo luôn bủa vây và làm “thui chột” những giấc mơ tốt đẹp của các em ngay từ khi còn bé bỏng. Sẽ còn biết bao thế hệ tương lai tiếp tục lẩn quẩn trong vòng đói nghèo và mãi mãi chịu thiệt thòi nếu Tây Bắc không quyết liệt đổi mới, tìm được đúng "sinh đạo" khai mở cho các bước phát triển.

Từ nhiều năm qua, nhiều chính sách, chương trình xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững đã được thực hiện. Nhưng Tây Bắc vẫn là “lõi nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%.

Câu hỏi làm sao để thoát nghèo cứ luẩn quẩn mãi, trong khi rõ ràng, Tây Bắc đang nắm trong tay một kho báu lớn. 

Cánh cửa nào giúp Tây Bắc thoát nghèo? ảnh 2

Phục trang cho “sơn nữ”

Tây Bắc mang vẻ đẹp của một sơn nữ, với bao la núi rừng, khí hậu trong lành, những con sông hùng vĩ, những đoạn đèo huyền thoại, ruộng bậc thang di sản quốc gia… Tây Bắc sở hữu nền văn hóa đầy màu sắc của hơn 32 dân tộc thiểu số. Những gì Tây Bắc được thiên nhiên ban phú, nhiều vùng miền, nhiều quốc gia trên thế giới thèm muốn, ước ao.

Cánh cửa nào giúp Tây Bắc thoát nghèo? ảnh 3

Nhưng nắm trong tay đống vàng mà du lịch Tây Bắc bao năm qua vẫn loay hoay tìm mô hình tăng trưởng, vẫn băn khoăn với câu hỏi tách biệt hay kết hợp cả hai yếu tố bảo tồn và phát triển. Có ý kiến cho rằng: Không gian văn hóa Tây Bắc tựa như một thiếu nữ mang vẻ đẹp trong trẻo, thuần khiết vốn có nên không cần tô vẽ vẫn có thừa sức hấp dẫn đối với nhu cầu du lịch khám phá. Lại cũng có quan điểm rằng: yếu tố hiện đại trong phục sức, lụa là không hề là sự "làm mờ" nhan sắc tự nhiên, truyền thống của cô sơn nữ Tây Bắc kia mà ngược lại càng khiến cho sơn nữ đằm thắm và quyến rũ hơn.

Cánh cửa nào giúp Tây Bắc thoát nghèo? ảnh 4

Những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đang lựa chọn phát triển du lịch theo hướng tự phát, chủ yếu là khai thác tài nguyên giá trị văn hóa sẵn có: tự phát, manh mún và đơn độc. Một số nơi đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng như Sapa (Lào Cai) có chợ tình, Yên Bái có ruộng bậc thang, Hà Giang có hoa tam giác mạch, Sơn La có du lịch sinh thái, trải nghiệm…

Tuy nhiên, các tour du lịch này chỉ mang tính thời vụ, diễn ra vào một vài thời điểm nhất định trong năm nên lượng khách đến Tây Bắc không thường xuyên và ổn định. 

Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch sơ sài, dịch vụ lạc hậu nên chỉ phát triển được loại hình du lịch phượt, trekking, đơn thuần là tour tham quan, thưởng ngoạn mang đầy tính ngẫu hứng. Trong khi đó, khách hạng sang và tiêu nhiều tiền luôn đòi hỏi một hạ tầng du lịch hướng tới các chuẩn mực chuyên nghiệp, văn minh.

Thị phần du lịch nghỉ dưỡng phục vụ du khách hạng sang của Tây Bắc đang bị bỏ ngỏ do thiếu các cơ sở lưu trú hiện đại. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch toàn vùng có 307 cơ sở lưu trú, nhưng chỉ có 3 khách sạn 4 sao, 13 khách sạn 3 sao còn đâu là dưới 2 sao. Cả vùng Tây Bắc bao la tìm mỏi mắt chẳng có khách sạn 5 sao nào. Dễ hiểu vì sao lượng khách đến Tây Bắc ít hơn nhiều so với các vung miền trong cả nước. Theo báo cáo của  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015, khách du lịch đến toàn vùng đạt 8,9 triệu lượt, chi tiêu hạn chế. Lượng khách du lịch hàng năm có tăng nhưng thấp hơn nhiều so với các vùng miền khác và thời gian lưu lại trung bình lại rất ngắn, dưới 1,5 ngày. 

Trong khi đó, nếu hạ tầng du lịch tốt hơn, tạo thêm nhiều những sản phẩm chủ đạo, đặc hữu và mới lạ, du lịch Tây Bắc sẽ không chỉ là điểm đến ấn tượng trên bản đồ du lịch Việt Nam mà chắc chắn sẽ trở thành điểm du lịch phải đến trong khu vực.

Ông Andrew Kuten, Giám đốc Công ty Du lịch Titlis (Thụy Sỹ) cho biết: “Nhiều điểm đến của Việt Nam như Sa Pa, phần nào có nét tương đồng với cảnh quan thiên nhiên ở Thụy Sĩ. Nếu các bạn biết khai thác tiềm năng của chính những miền đất ấy, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự nhiên sẵn có và hiện đại, đó chính là cơ hội để phát triển du lịch và thu hút ngày càng nhiều khách đến từ Thụy Sĩ chúng tôi.”

Sơn nữ Tây Bắc vẫn đang chờ đợi một cuộc đột phá, khi năm 2017 đang đến gần, và Tây Bắc được chọn là điểm đến của "Năm du lịch Quốc gia". Và thực sự, cô ấy sẽ là hoa hậu, nếu Tây Bắc gạt bỏ lối tư duy "gặp gì hái nấy" và mở rộng vòng tay đón nhận những sản phẩm du lịch đẳng cấp, hiện đại bằng những cơ chế chính sách chủ động, hợp lý để khuyến khích ngành du lịch phát triển.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.