Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia

TPO - Ngày 12/9, UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở VH&TT Bình Định tổ chức lễ đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”.

Làng nón ngựa Phú Gia của xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định) có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm.

Nón ngựa Phú Gia từ lâu đã là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng, đã và đang được người dân xã Cát Tường duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay đây không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm nón lá nổi tiếng, mà còn là một điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Đặc biệt, từ khi Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định lần đầu năm 2006, rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu làng nghề nón ngựa Phú Gia, hầu hết đều thích thú loại nón này và khen ngợi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ làm nón ngựa.

Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 1

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Trương Định.

Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tham quan khu trưng bày sản phẩm nón ngựa Phú Gia. Ảnh: Trương Định.

Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 3

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: Dũng Nhân

Nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của nón lá, có giá trị mỹ thuật cao. Ngoài ra, đây còn là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.

Theo các nghệ nhân làng nghề, sở dĩ dân gian gọi là "nón ngựa" trước hết là vì nó dẻo dai, bền bỉ như loài ngựa. Ngoài ra, thuở xưa, nón ngựa Phú Gia được sản xuất chỉ dành riêng giới phong lưu, quyền quý, thường sử dụng trong lúc cưỡi ngựa hay những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng, phượng trên đỉnh nón được giới quan binh đội trên đầu khi cưỡi ngựa, nhằm thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến.

Chính vì thế mà nón của làng nghề nón ngựa Phú Gia nổi tiếng có hoa văn tinh xảo, sang trọng mà ít ở đâu có được, đặc biệt là các mẫu hoa văn như mai, lan, cúc, trúc - biểu tượng cho sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa…

Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 4Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 5

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia xưa kia được sản xuất chỉ dành riêng giới phong lưu, quyền quý. Ảnh: Trương Định.

Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 6

Hoa văn tinh xảo trên chiếc nón. Ảnh: Trương Định.

Nghề chằm nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định thành di sản quốc gia ảnh 7

Nón ngựa Phú Gia gắn với đời sống người dân, không chỉ để che nắng, che mưa mà còn là một nét đẹp truyền thống. Ảnh: Trương Định.

Làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia hiện có khoảng 110 hộ sản xuất với hơn 300 lao động, mỗi năm làm ra hơn 3.300 sản phẩm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Văn Hưng, năm 2012, nón ngựa Phú Gia là 1 trong 5 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định chọn để hỗ trợ xây dựng thành các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu Nón ngựa Phú Gia cho các sản phẩm nón được sản xuất tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát.

Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho hay đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của Bình Định được ghi danh, sau võ cổ truyền, hát bội, Nghệ thuật Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định đề nghị huyện Phù Cát chủ động phối hợp với các ngành liên quan quy hoạch tổng thể, chi tiết làng nghề, lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để tiếp tục bảo tồn, gắn với phát triển kinh tế, du lịch.

Xây dựng và triển khai các giải pháp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để giữ nghề và truyền nghề, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh kết nối với các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch xây dựng tour, tuyến phục vụ khách du lịch, hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh...

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định.

Tin liên quan