Hào hứng trải nghiệm làm nón lá dành tặng bà, mẹ ngày 8/3
TPO - Chiếc nón lá với họa tiết hình hoa sen là món quà đặc biệt, ý nghĩa mà các bạn nhỏ muốn dành tặng những người thân yêu của mình nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Chiều 7/3, tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, các em học sinh trên địa bàn TP Vinh đã tham gia chương trình trải nghiệm “Giữ hồn nón lá quê hương” cùng các nghệ nhân đến từ làng nón lá Thanh Tài, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Tại đây, các em được trải nghiệm các bước trong quy trình làm nón như: bóc lá dừa, là thẳng lá; chằm nón, quét dầu lên nón; xâu quai nón…
Nghề làm nón lá ở làng Thanh Tài đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Tuy là nghề phụ, tồn tại bên cạnh nghề nông, nhưng nó có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống cho người dân nơi đây. Hiện nay, dù đã có nhiều mai một nhưng nghề làm nón lá vẫn được lưu giữ ở địa phương này.
Kinh nghiệm 35 năm trong nghề, nghệ nhân Hoàng Thị Dung (54 tuổi, làng nón lá Thanh Tài) cho biết, để làm được một chiếc nón hoàn chỉnh, người làm phải trải qua nhiều công đoạn, từ thẻ vành, bắt vành, gắn khuôn, xâu lá, chằm may, nức chân đến xâu nôi, quang dầu… “Từng công đoạn làm nón đều được làm thủ công nên mất nhiều thời gian. Một ngày một người làm nón chuyên nghiệp chỉ hoàn thành được 1-2 chiếc nón”, nghệ nhân chia sẻ.
Theo nghệ nhân Hoàng Thị Hường (46 tuổi), làm nón lá không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Lá sau khi là được cắt gọn hai đầu đủ dài để lợp từ chóp xuống vành cái, xếp chồng liền nhau, không xô lệch. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần được lót thêm 1 lớp lá măng cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà...
Trải nghiệm công đoạn bóc lá dừa và là thẳng.
Các em say sưa chằm nón.
Các bạn nam cũng rất hào hứng trải nghiệm các công đoạn làm nón lá.
Những chiếc nón sau đó sẽ được các họa sỹ đến từ một xưởng vẽ nghệ thuật trên địa bàn TP Vinh thổi hồn thông qua những hình vẽ sinh động như hoa sen, hoa cúc hay phong cảnh quê hương, đất nước nhằm tôn thêm vẻ đẹp chiếc nón lá.
Em Lê Trần Quỳnh Anh (học sinh lớp 6, trường THCS Quán Bàu, TP Vinh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm làm nón lá. Em thấy rất hào hứng và thích thú. Em sẽ dành tặng chiếc nón lá này cho những người mà em yêu thương nhất, đó là bà và mẹ của em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3”.
“Giữ hồn nón lá quê hương” là một trong những chương trình trải nghiệm hấp dẫn và ý nghĩa, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương thông qua việc tìm hiểu những làng nghề thủ công truyền thống, giúp các em học sinh trân quý hơn những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.