Ngành y thừa nhận sởi bùng phát do "lỗ hổng" tiêm chủng

Nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ nhỏ. (Ảnh: TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ nhỏ. (Ảnh: TTXVN)
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thừa nhận, nếu không có “lỗ hổng” trong công tác tiêm chủng thì không có dịch sởi xảy ra.
Ngành y thừa nhận sởi bùng phát do "lỗ hổng" tiêm chủng ảnh 1

Nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ nhỏ. (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia về dịch tễ, có ít nhất hai điểm bất thường ở mùa dịch sởi năm nay. Đó là tỷ lệ tử vong rất cao và tỷ lệ nhiều bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh.

Thêm vào đó, Bộ Y tế vừa công khai danh sách 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi ở mức thấp, dưới mức 50%. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính khiến dịch sởi lan rộng do tỷ lệ người không được bảo vệ cao?

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia về vấn đề này.

- Thưa giáo sư, vừa qua Bộ Y tế vừa “tuýt còi” 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi thấp. Chẳng hạn như tại tỉnh Bình Phước tỷ lệ này chỉ đạt 8,2%; Long An là 15,8% và Đồng Nai 27,3%. Theo giáo sư thì việc tỷ lệ tiêm chủng thấp có phải là nguyên nhân dẫn tới bùng phát dịch sởi không?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Như tôi đã nói, một nguyên tắc rất cơ bản trong bệnh sởi là tất cả những ai, bất kỳ ở lứa tuổi nào, từ trẻ mới sinh đến người già 70 đến 80 tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus sởi thì sẽ bị mắc bệnh.

Người nào chưa mắc sởi, khi tiếp xúc với người mắc bệnh này thì khả năng mắc rất cao (hơn 90%). Như vậy, trong cộng đồng những ai chưa được bảo vệ thì bệnh sởi sẽ tấn công vào người đó.

Mặc dù công tác tiêm chủng được thực hiện tốt, hơn 90% người được tiêm chủng, cộng với hiệu quả bảo vệ của vắcxin là 95% (của 90% trên), thì vẫn còn khoảng 15% số người trong đó vẫn không được bảo vệ.

Nếu tỷ lệ người tiêm chủng càng thấp thì số người không được bảo vệ càng cao lên và nguy cơ bùng phát dịch càng lớn hơn.

- Vậy giáo sư có thể phân tích nguyên nhân vì sao tại một số nơi công tác tiêm chủng được báo cáo là tốt, nhưng dịch sởi vẫn xảy ra và bùng phát mạnh?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Các tỉnh khi báo cáo tỷ lệ tiêm chủng đạt cao tuy nhiên thực tế dịch sởi vẫn xảy ra, điều đó phản ánh việc tiêm chủng ở đó vẫn chưa thực sự tốt.

Một lý thuyết rất đơn giản trong bệnh sởi là người nào không tiêm phòng thì sẽ bị mắc sởi. Còn nếu độ bao phủ của tiêm sởi không cao thì dịch sởi sẽ xảy ra.

- Có một số địa phương đang xảy ra dịch sởi nhưng trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng của họ vẫn cao. Nhiều ý kiến cho rằng liệu có khả năng xảy ra việc ghi số liệu không sát với thực tế, mà chỉ là báo cáo trên giấy tờ. Xin giáo sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Để kiểm tra việc triển khai kế hoạch tiêm vét của các tỉnh, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đến làm việc với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh.

Về việc lập kế hoạch triển khai và thực hiện kế hoạch tiêm vét, đặc biệt ở những tỉnh có tỉ lệ mắc sởi cao, cho đến nay đã có khoảng 50% các cháu trong độ tuổi được tiêm theo lịch và tiêm vét đã được tiêm đợt này. Nhiều tỉnh đang tiếp tục triển khai để đạt mục tiêu đề ra và tổng hợp số liệu, báo cáo về Bộ Y tế.

Tôi khẳng định, việc báo cáo giả trên giấy tờ là không có, đến nay chúng tôi chưa ghi nhận.

Ngành y thừa nhận sởi bùng phát do "lỗ hổng" tiêm chủng ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

- Với cương vị là Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, giáo sư có thể chỉ ra nguyên nhân vì đâu mà trong thời gian qua tỷ lệ tiêm chủng nói chung và việc tiêm phòng vắcxin sởi lại xuống thấp báo động như vậy?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Về khía cạnh vì sao công tác tiêm chủng lại chưa được tốt, tôi lưu ý có hai điểm.

Một là việc tiêm chủng phải rà soát đối tượng sao cho chặt chẽ. Giả sử cộng đồng có 100 người, tại địa phương đó đã rà soát vào sổ 100 người và tiêm hết 100%. Nhưng trên thực tế, cộng đồng đó thực sự có 150 người, mà chỉ rà soát vào sổ có 100 người, vì 50 người khác không biết ở đâu đến, không có hộ khẩu, không có trong danh sách quản lý, có thể họ là người nhập cư... Như vậy, vẫn còn 50 người khác chưa được tiêm.

Vấn đề ở đây theo tôi là cần rà soát đúng đối tượng và đủ trên địa bàn, bất kể người đó hộ khẩu ở đâu nhưng sống trên địa bàn đó thì cần đưa vào đối tượng thuộc diện phải rà soát. Theo tôi, đây là một vấn đề khó hiện nay, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, các địa phương cần phải tăng cường sự rà soát đối tượng tiêm chủng. Tại sao dịch vẫn xảy ra ở một số nơi? Vì họ không bao phủ tiêm chủng ở những người không nằm trong danh sách.

Điểm thứ hai theo tôi là việc chống chỉ định trong công tác tiêm phòng cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ. Sau một loạt những phản ứng sau tiêm như vừa rồi, khi khám sàng lọc nhân viên y tế thấy trẻ hơi sốt, ngứa, dị ứng là chỉ định không tiêm. Vì vậy, người nhà của trẻ và cán bộ y tế đều ngại. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến giảm tỷ lệ tiêm chủng.

Việc nhân viên y tế chống chỉ định hoãn tiêm cho một số trường hợp như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi người dân quay lại lần thứ hai tiêm chủng cho con cũng ngại đưa con đi tiêm khi thấy con sốt hoặc ngứa, dị ứng. Vì vậy, đó cũng là yếu tố tác động làm giảm tỷ lệ tiêm chủng trong thời gian gần đây.

Như vậy, có hai lý do: một là người mẹ tâm lý không muốn cho con tiêm, thứ hai là cán bộ y tế lo sợ có nhiều rủi ro nên tốt nhất trẻ hoãn tiêm. Do đó, cơ hội để trẻ quay lại lần 2 cũng không phải đơn giản.

Tôi cho rằng thời gian tới chúng ta nghiên cứu để làm giảm tỷ lệ hoãn tiêm thấp nhất trong mức có thể được, tức là chỉ định đúng, không nên quá lo sợ từ cả hai phía là người nhà và nhân viên y tế, nên hai hòa giữa việc đúng quy định nhưng không nên quá sợ hãi.

Do vậy, có nhiều trường hợp người dân đưa trẻ đến rất đông nhưng tỷ lệ được tiêm lại ít vì những chỉ định hoãn tiêm.

- Vậy theo giáo sư, việc lấp những “lỗ hổng” trong công tác tiêm chủng thấp như trên bằng cách nào?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Trước mắt, đa phần số mắc, các trường hợp nặng, tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, nên ngành y tế sẽ tập trung vào việc tiêm vét trước. Tùy từng địa phương, dựa trên đánh giá tình hình dịch sẽ mở rộng diện tiêm đến 3 tuổi như Thành phố Hồ Chí Minh hoặc đến dưới 6 tuổi như Hà Nội.

Thời gian tới, ngành y tế cũng sẽ triển khai nhiều chiến dịch tiêm khác nhằm lấp các lỗ hổng để bao phủ những người chưa được tiêm, hoặc những đối tượng đã tiêm rồi, tiêm lại đều không sao.

Đặc biệt, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cuối năm nay sẽ triển khai tiêm chủng ngừa sởi-rubella cho trẻ 1 đến 14 tuổi, hy vọng qua đó lấp lỗ hổng miễn dịch của trẻ em trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tiến tới loại trừ sởi.

- Giáo sư có thể nhận định vụ dịch sởi này nếu được triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thì bao giờ chấm dứt?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Theo tôi, muốn kết thúc vụ dịch sớm thì còn nhiều thứ và nó phụ thuộc vào quần thể có miễn dịch với virus sởi.

Miễn dịch của cộng đồng cao có thể nhờ vắcxin tiêm vét tốt thì nó sẽ lấp các “lỗ hổng” như hiện nay. Ở đây chúng ta phải thừa nhận rằng, không có “lỗ hổng” như trên thì không có dịch sởi xảy ra.

Vấn đề thứ hai theo tôi là việc xử trí về mặt cách ly, về phân tuyến điều trị cũng là một vấn đề cần quan tâm làm giảm quá tải, giảm lây truyền bệnh do quá đông bệnh nhân.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư Nguyễn Trần Hiển!/.

Theo Vietnamplus
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.