Thói quen khó bỏ ngoài giờ học
Trước đó, theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội chiều 30/9, tại cổng Trường THCS Bình Minh có nhóm người lạ phát sản phẩm trà mật ong thương hiệu Boncha miễn phí cho học sinh. Cuối giờ chiều cùng ngày, Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai chuyển đến Bệnh viện 13 em có biểu hiện ngộ độc thực phẩm với dấu hiệu: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt nhẹ, mệt mỏi... nghi do uống loại nước được phát này.
Mới nhất theo kết quả của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Trà mật ong Boncha vị ô long đào (thể tích 450ml, trên nhãn sản phẩm có ghi thông tin cụ thể: Sản phẩm của Công ty cổ phần Uniben, số 32, VSIP II-A đường số 30, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II - A, phường Vĩnh Tân, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có ngày sản xuất: 22-9-2024, hạn sử dụng: 22-9-2025, số tự công bố: 01/UNIBEN/2024 phù hợp theo QCVN 6-2:2010/BYT) và trà xanh hương ổi hồng chanh dây C2 (thể tích 450ml, sản phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam, số 42 VSIP Đại lộ Tự Do, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương; sản xuất tại Công ty TNHH URC Việt Nam) đã được kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật: Clositridium perdringens; Coliforms, E.coli, Pseudomanas aeruginosa và đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn theo QCVN6-2:2010/BYT.
Do đó các chuyên gia xác định nguyên nhân khiến trẻ nhập viện không phải do ngộ độc sau khi uống nước ngọt. Theo đại diện Phòng Y tế huyện Thanh Oai, các triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mà các học sinh gặp phải sau khi uống nước ngọt miễn phí có thể do các em đã uống một lượng lớn nước ngọt.
Cụ thể, khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường hoặc carbohydrate, tuyến tụy hoạt động mạnh để tạo ra insulin giúp phân hủy đường, điều chỉnh đường huyết. Lượng đường trong máu giảm đột ngột làm hạ đường huyết, dẫn đến các triệu chứng như: Buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, run rẩy, choáng váng, thay đổi tâm trạng và đau đầu.
Cổng Trường THCS Bình Minh giờ tan học. Ảnh: Huyền Diệu |
Khu vực cổng trường THCS Bình Minh có rất nhiều hàng quán bán các loại đồ ăn khác nhau từ bánh mì, xôi hộp đến đồ ăn vặt, nước ngọt, trà sữa. Mặc dù có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian qua nhưng sức hấp dẫn của những cửa hàng này vẫn không hề suy giảm. Vừa ra khỏi cổng trường thay vì đi thẳng về nhà thì nhiều bạn học sinh đi thành các nhóm vào mỗi sạp hàng để mua đồ.
Học sinh rủ nhau mua đồ ăn vặt tại cửa hàng gần cổng trường trước khi về nhà. Ảnh: Huyền Diệu |
Chị T. chủ cửa hàng trước cổng trường chia sẻ: “Học sinh ăn ở đây hàng ngày, đồ ăn nước uống chỉ từ 2.000 đồng, 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Buổi sáng thì các bạn ăn xôi, bánh mì, chiều thì uống trà chanh, trà tắc”. Không chỉ có học sinh mà phụ huynh cũng mua cho con ăn rất nhiều. Còn những bạn mà phụ huynh không cho ăn thì mua nợ, số nợ lên tới 400.000-500.000 đồng tiền quà vặt.
Khi được hỏi về nguồn gốc và chất lượng của những sản phẩm này, chị chủ tỏ ý không hài lòng và chỉ trả lời chung chung, hàng bán chạy, giá nhập rẻ nên chị cứ bán thôi.
Trên thực tế, nhiều điểm trường khác tại Hà Nội các rạp hàng lưu động, quán ăn vặt nhiều như nấm, nằm sát cạnh nhau chủ yếu bán các loại thực phẩm lạ mắt, màu mè nhằm thu hút lứa tuổi học sinh.
Vào giờ ra chơi, trường THCS Mỹ Hưng (Thanh Oai- Hà Nội) đã đóng cổng trường nhưng người bán và học sinh vẫn trao đổi hàng hoá với nhau qua khung cửa. Đặc điểm chung của những món hàng này là đồ được gia công kém chất lượng, không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, vì hương vị hấp dẫn mà giá thành lại rẻ nhiều em học sinh vẫn tự ý mua và ăn những đồ ăn này.
Học sinh mua đồ ăn qua hàng rào tại trường THCS Mỹ Hưng. Ảnh: Huyền Diệu |
Tăng cường kiểm soát
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt, đồ ăn trước cổng trường đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt cổng trường, nguyên nhân xác định thường là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động rất khó kiểm soát.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lí ATTP tiếp tục được tăng cường, trong đó, Hà Nội tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.
TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại khu vực trường học; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học).
Phối hợp các cơ quản chức năng tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp thực phẩm; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; xử lí nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn cho các trường học, ban phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, do người lạ cung cấp; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm trong và xung quanh trường học nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.