Ngành xuất bản đã lạc quan?

Càng nhiều hội chợ sách, người dân càng có cơ hội mua sách ưu đãi. Ảnh: Toan Toan.
Càng nhiều hội chợ sách, người dân càng có cơ hội mua sách ưu đãi. Ảnh: Toan Toan.
TP - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa trao đổi với Tiền Phong về sự lạc quan trước thực tế ngành xuất bản đang dần “đẩy lùi luồng sách bậy bạ”.

Vừa qua một đơn vị làm sách gây ầm ĩ với cách gọi “lẩu sách” khiến nhiều người bức xúc, thậm chí quy kết sách ngày càng bị rẻ rúng. Ông nghĩ sao về điều này?

Cuốn sách vẫn là cuốn sách, văn hóa đọc vẫn là văn hóa đọc, còn phương án tiếp cận của người kinh doanh sách với người mua thế nào cho có văn hóa là phạm trù của những người trong ngành. Tôi không bàn “lẩu sách” đúng hay sai, tôi chỉ bàn xem nó có được nhiều người hưởng ứng không. Nếu dùng từ đúng và người ta thấy hay, đồng tình họ sẽ đến, ngược lại người ta không thấy hay thì lâu dần bị đào thải, hiệu quả kinh tế không cao. Lẩu sách không phạm luật nào, nhưng hiệu quả thế nào thì người sử dụng phải cân nhắc và điều chỉnh.

Vài năm lại đây nhiều người phàn nàn về tình trạng bội thực hội chợ sách, phải chăng chúng ta tổ chức quá nhiều hội chợ sách?

Nhà sách thấy chỉ có đáp ứng được nhu cầu đích thực của xã hội thì người ta mới phát triển, nên dần dần nhiều nhà sách lớn quay trở về làm sách có ích. Luồng sách bậy bạ bớt đi, luồng sách phục vụ đời sống ngày càng phát triển. Nếu trước đây nhiều NXB làm nô lệ, chạy xe ôm cho đơn vị liên kết, nay họ có đọc, có biên tập. 

Cục trưởng Chu Văn Hòa

Nhiều hay ít phải để hiệu quả kinh doanh trả lời. Điều đáng nói, không nên có nhiều hội chợ sách dùng ngân sách nhà nước gây tốn kém, còn nếu ngân sách xã hội hóa tổ chức trăm cuộc mà có người đến mua có nghĩa họ có nhu cầu thật. Từ hiệu quả kinh doanh của hội chợ sách, những người tổ chức sẽ điều tiết số lượng. Ý kiến nhiều hay ít xuất phát từ việc có chuyện tổ chức duy ý chí, nghĩa là một năm lấy ngân sách nhà nước ra tổ chức, không tính đến hiệu quả của người bán sách và người tham gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông mỗi năm có một hội chợ sách, không lấy kinh phí của nhà nước. Riêng Ngày sách Việt Nam ở các địa phương lấy một phần nhỏ ngân sách nhà nước để phát động phong trào. Hội chợ sách lâu nay đều xã hội hóa. Đứng về mặt quản lý nhà nước, tôi thấy càng nhiều hội chợ sách thì người mua sách càng có nhiều cơ hội tiếp cận sách. Cách tốt nhất là xã hội hóa hội chợ sách, khi đó người ta thấy có lợi mới đóng tiền vào làm chứ không ai bắt buộc được, không có văn bản nào bắt ép họ.

Ngành xuất bản đã lạc quan? ảnh 1 Cục trưởng Chu Văn Hòa.

Có trường hợp đơn vị làm sách ngại cơ quan quản lý nhà nước nên cố phải tham gia?

Nếu cơ quan quản lý trung ương, địa phương có động thái đó thì không nên. Có lúc động viên họ để phát động phong trào. Ví dụ Ngày sách Việt Nam những năm trước chưa đạt hiệu quả kinh tế, mọi hoạt động ban đầu có thể kêu gọi, nhưng chỉ một hai năm thôi chứ không thể kéo dài mãi. Tôi cho rằng chỉ nên đặt vấn đề không được dùng ngân sách nhà nước tổ chức hội chợ sách. Nếu người ta tự kêu gọi và động viên nhau chấp nhận lỗ vài năm đầu để xây dựng hội chợ sách thường niên thì đáng khuyến khích. Giống như hội chợ sách quốc tế Frankfurt, New York, Matxcova, Thượng Hải, Thái Lan nếu không chấp nhận lỗ ban đầu để có địa chỉ sách thì không trở thành trung tâm hội chợ sách lớn như thế. Hội chợ sách tạo nguồn lực hỗ trợ lại cho nhà xuất bản.

Nếu người ta đến hội chợ sách chỉ để khoe ảnh selfie trên facebook thì sao?

Điều đó có, nhưng hầu hết mọi người đến đó đều mua sách. Có cửa hàng nào trên thế giới mà không có người đến chơi. Tôi cho rằng người ta đến chơi vài ba cuộc rồi lây không khí, rèn cho người ta ít ra đọc đôi dòng. Đầu tiên họ cứ đến cho vui đã, sau họ bỏ ra vài đồng mua cuốn sách cũng quý, còn hơn họ dùng số tiền ấy làm chuyện vô bổ khác còn dở hơn. Vậy thì hà cớ gì chúng ta không mở ra những cơ hội cho người dân tiếp cận sách.

Hội chợ sách nhiều, nhiều phong trào cổ động văn hóa đọc nhưng dư luận vẫn lo ngại tình trạng một bộ phận không nhỏ không đọc sách, chỉ đọc sách ngôn tình hoặc ít giá trị. Quan điểm của ông thế nào?

Phải quay lại câu hỏi-Ai là người bỏ tiền làm xuất bản. Theo luật, cơ quan xuất bản là của nhà nước, chỉ nhà nước có quyền ra quyết định xuất bản. Nhưng hầu hết các nhà xuất bản-trừ vài nơi được nhà nước hỗ trợ, hoặc tạo được độc quyền, một vài nơi sống được nhờ trình độ và khả năng tiếp cận thị trường- đều qua liên kết. Vì vậy người nào cầm tiền người đó quyết định nội dung cuốn sách. Người cầm tiền nghĩ đến lợi nhuận trước hết, họ không được giao trách nhiệm giáo dục xã hội. Nhà xuất bản không thể định hướng được đơn vị liên kết, vì thực tế ai cầm tiền thì họ định hướng cuộc chơi.

Tuy nhiên bức tranh xuất bản không phải xám xịt như trước nữa mà ngày càng sáng. Điều đó có được nhờ có sự đấu tranh của dư luận xã hội, sự lựa chọn của người đọc, dân trí ngày càng cao. Sách ngôn tình sau thời gian rộ lên, giờ nhiều gia đình có sự cảnh giác, cơ quan quản lý có văn bản tạm dừng loại sách đó. Bằng nhiều giải pháp tổng hợp chúng ta vẫn lấn được luồng đó. Nhà sách thấy chỉ có đáp ứng được nhu cầu đích thực của xã hội thì người ta mới phát triển, nên dần dần nhiều nhà sách lớn quay trở về làm sách có ích. Luồng sách bậy bạ bớt đi, luồng sách phục vụ đời sống ngày càng phát triển. Nếu trước đây nhiều NXB làm nô lệ, chạy xe ôm cho đơn vị liên kết, nay họ có đọc, có biên tập.

MỚI - NÓNG