Ngành cá tra lao đao, người nuôi 'treo ao'

TPO - Hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu (XK) cá tra sang Trung Quốc giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, kéo theo giá trị XK toàn ngành này giảm 32%. Người nuôi phải “treo ao” hoặc bán lỗ. Ngành hàng XK tỷ đô này khởi đầu năm 2020 đầy ảm đạm.

Nuôi hơn một năm chưa bán

Bà Đào Thúy Phượng (phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) có hơn 1,5ha ao nuôi cá tra giống, thả nuôi từ đầu năm 2019 đến nay vẫn chưa bán được, trong khi bình thường cá tra giống từ khi thả nuôi đến khi bán khoảng 3 tháng, thậm chí chỉ hơn 2 tháng. Theo bà Phượng, giá cá giống hiện ở mức 20-21.000 đồng/kg, ao cá của bà có sản lượng trên dưới 20 tấn, vốn bỏ ra đến nay khoảng 450-500 triệu, nếu bán thì bà sẽ lỗ trên trăm triệu đồng.

Ngành cá tra lao đao, người nuôi 'treo ao' ảnh 1 Ao cá giống nuôi hơn một năm nay chưa bán được vì giá quá thấp. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo những người nuôi cá tra giống tại ĐBSCL, giá cá giống giảm sâu từ cả năm 2019 đến nay, ngoại trừ có một thời điểm lên được 30.000 đồng/kg, còn lại là ở mức dưới 25.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất phải 30.000 đồng/kg, nên nhiều người đành ‘ngâm cá’, cho ăn cầm chừng đợi giá lên.

Những người nuôi cá tra thịt cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Lê Thanh Vân (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết vừa bán hơn 70 tấn cá tra thịt, với giá 18.300 đồng/kg, lỗ khoảng 3.000 đồng/kg. Hiện ông còn 2 ao cá tra thịt với sản lượng khoảng 170 tấn, mặc dù cá chưa đạt size nhưng cũng không dám cho ăn nhiều, chỉ nuôi cầm chừng để đợi giá. Ngoài ra, ông có một ao cá giống thả nuôi từ năm ngoái nhưng vẫn không bán được nên đành để vậy nuôi lớn bán cá thịt.

Thông tin với PV Tiền phong, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, giá cá nguyên liệu giảm sâu, sản xuất, tiêu thụ bị đình đốn do đầu ra bị ách tắc, giá trị XK giảm mạnh.

Nguyên nhân sâu xa hơn là do cung vượt cầu. Cụ thể, giá cá lên quá cao và lập đỉnh thời điểm năm 2018, người dân ồ ạt thả nuôi thiếu kiểm soát, diện tích và sản lượng tăng vọt. Nhưng qua năm 2019, giá quay đầu giảm mạnh, không ít người phải bán lỗ hoặc “treo ao”. Bước sang năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tình hình khó khăn chồng lên khó khăn, do XK phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc (năm 2019, tổng XK cá tra đạt 2 tỷ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm đến 662 triệu USD).

Thăng trầm theo tình hình dịch bệnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thị trường Trung Quốc chiếm lĩnh đến trên 33% thị phần (lớn nhất) rõ ràng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cá tra Việt Nam. Các đơn hàng bị chậm hoặc gián đoạn, một số DN cho biết số lượng đơn hàng trong tháng 2 và 3 chỉ còn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Hai tháng đầu năm nay, trong các mặt hàng thủy sản thì cá tra là mặt hàng bị ảnh hưởng mạnh nhất, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Riêng XK sang Trung Quốc đạt 28,4 triệu USD, giảm 52,4% so với cùng kỳ 2019.

Ngành cá tra lao đao, người nuôi 'treo ao' ảnh 2 Chế biến cá tra xuất khẩu ở một doanh nghiệp tại ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Còn với thị trường EU, trong hai tháng đầu năm nay, đại dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng nặng nề, nhưng giá trị XK sang thị trường này cũng chỉ đạt 26 triệu USD, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ tháng 3, khi Italy, Đức và Anh là những thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam trở thành trọng tâm của đại dịch đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ.

Tín hiệu khả quan trở lại là ở thị trường Mỹ. Mặc dù hai tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Mỹ vẫn giảm gần 27% (đạt 38,6 triệu USD) so với cùng, song riêng tháng 2 đã đạt 20,6 triệu USD (chiếm gần 19% giá trị XK cá tra và tăng gần 67% so với cùng kỳ). Sự sụt giảm XK liên tục trong năm ngoái do rào cản thương mại và kỹ thuật tại thị trường này đã khiến nhiều DN rút lui.

Tuy nhiên, đầu năm nay, khi lượng tồn kho sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại Mỹ đã giảm, DN có thêm cơ hội gia tăng XK sang thị trường này. Mỹ cũng đã vượt qua Trung Quốc để trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.

Trong tháng 2-3/2020, tình trạng hạn mặn bất thường đã xảy ra ở ĐBSCL khiến cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng. Người nuôi ở một số địa phương đã ngưng thả nuôi do không đủ điều kiện về nước. Do ảnh hưởng của thị trường và dịch bệnh, hiện nhiều DN vẫn cố gắng đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động…

MỚI - NÓNG
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
TPO - Sự cố cháy rừng ở khu vực Đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được lực lượng chức năng khống chế, ngăn cháy lan. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cảnh báo thời tiết hanh khô và lượng lớn cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 nên nguy cơ cháy rừng rất cao, ở cấp độ 4, mức nguy hiểm.