Để kiểm tra ngoại ngữ của 8.000 nhân viên, Trung tâm đào tạo của của FPT Software năm 2015 phải lên lịch trong vòng 3 tháng. Nội dung kiểm tra là tiếng Anh (bắt buộc) và tiếng Nhật (khuyến khích) dành cho cán bộ nhân viên.
Sử dụng tốt ngoại ngữ là yêu cầu đương nhiên với nhân viên của công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam này khi mà hệ thống của FPT Software đã được mở rộng ra 19 nước (tính tới hết năm 2014) và hàng trăm nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại công ty.
Có thể thấy, việc mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế là một nguyên nhân thúc đẩy DN Việt Nam mở cửa với lao động nước ngoài. Theo thống kê, đến cuối năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD. Điển hình phải kể tới các doanh nghiệp như Viettel, hay các DN dầu khí. Viettel tính tới năm 2014 đã đầu tư tại 9 quốc gia, tổng nhân sự gồm cả Việt Nam và người nước ngoài lên tới 25.000 người.
Tuy nhiên, một số DN Việt Nam hoạt động trong nước đang sử dụng lao động nước ngoài với mục đích tận dụng một lợi thế khác. Theo tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm, nguồn nhân lực tại Việt Nam tuy đông, nhưng trong một số lĩnh vực vẫn thiếu lao động được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm. Ông lấy ví dụ về nghiệp vụ định phí (actuary), một nghiệp vụ quan trọng của ngành bảo hiểm, hiện gần như phải thuê hoàn toàn lao động nước ngoài.
Theo ông Phạm Phú Công, Giám đốc Tuyển dụng của Techcombank, thị trường lao động quốc tế mở cửa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn, có trình độ đạt chuẩn khu vực, để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, cạnh tranh trong thời buổi hội nhập.
Techcombank được biết đến như một ngân hàng đang tích cực tận dụng các cơ hội từ thị trường lao động quốc tế. Với tầm nhìn trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam, hướng tới vươn tầm khu vực, Techcombank chú trọng ứng dụng mô hình quốc tế trong quản trị nhân sự. Không chỉ là ngân hàng tiên phong trong mô hình quản trị và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, Techcombank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tuyển dụng nhân sự người nước ngoài hoặc nhân sự tại thị trường nước ngoài vào những vị trí quan trọng. Không ít người là các chuyên gia đến từ các ngân hàng hàng đầu thế giới.
“Nhân sự là người nước ngoài và nhân sự đã quen thuộc tại thị trường nước ngoài ở Techcombank đang tham gia vào công tác quản trị, điều hành cao cấp, chuyển đổi mô hình và các mảng có chuyên môn đặc thù từ khoảng gần 10 năm nay”, ông Công cho biết.
Theo đại diện ngân hàng, để thu hút được lao động có trình độ người nước ngoài và các nhân sự đã làm việc ở thị trường nước ngoài, các chính sách đãi ngộ của Techcombank dựa trên các thông lệ tốt nhất cho lao động người nước ngoài như lao động được bảo hiểm quốc tế, hỗ trợ nhà cửa, chi phí cho con cái đi học... Đây là những lợi ích rất hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Techcombank tích cực xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Ngân hàng nâng chuẩn ngoại ngữ cho toàn hệ thống để việc giao tiếp, truyền thông được thuận lợi, đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng trụ sở, văn phòng tại vị trí trung tâm thuận lợi… Song song với đó, những chính sách khuyến khích phát triển nghề nghiệp, lương thưởng cạnh tranh, giờ làm việc linh hoạt…, cùng với văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của Techcombank đã tạo nên một thương hiệu nhà tuyển dụng hàng đầu trên thị trường Việt Nam.
Năm 2015, Techcombank lần thứ 3 liên tiếp lọt vào top 3 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành Tài chính và Ngân hàng và lần đầu tiên được ghi nhận là một trong 2 nơi làm việc tốt nhất trong ngành Đầu tư/Kiểm toán/Kế toán (theo Khảo sát “Sức khỏe thương hiệu nhà tuyển dụng Việt Nam năm 2015” của Anphabe và Nielsen).