Ngăn chặn dự án đối tác công tư gây thiệt hại cho nhà nước, bức xúc xã hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Chúng ta phải thực hiện các cam kết giữa nhà nước với nhà đầu tư để tránh tình trạng nhiều dự án đối tác công tư gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội phản ánh”, GS. Hoàng Văn Cường lưu ý.

Sáng 24/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025. Tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần tính toán kỹ lưỡng và thỏa đáng nguồn lực đầu tư để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch nước, nếu đầu tư chắp vá, tạm thời, trước mắt thì không ổn. Vùng chịu tác động nhiều nhất với biến đổi khí hậu là Đồng bằng sông Cửu Long Long, nếu không có nguồn lực thì hậu quả vài chục năm nữa sẽ rõ hơn, nên phải đầu tư lớn hơn, tầm nhìn cao hơn.

Nêu quan điểm về việc cắt giảm số lượng dự án để tập trung cho các dự án quan trọng, song Chủ tịch nước lưu ý đến việc phát triển bao trùm không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo Chủ tịch nước, nhiều khi công trình nhỏ nhưng tác động lớn tới người dân.

“Việc tiếp tục giảm công trình tôi hoan nghênh nhưng lưu ý nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa”, Chủ tịch nước nêu.

Đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn TP.HCM) thì cho rằng, cần bổ sung thêm nguồn lực đầu tư ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt lĩnh vực y tế. Theo ông, đầu tư hạ tầng cần gắn với phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả sau đại dịch, kết nối hạ tầng, giao thương, thúc đẩy nguồn lực trong nước, hàng hóa sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ hiệu quả là cần thiết để làm sao mỗi vùng tự phát triển.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) đề nghị, Quốc hội phê duyệt dự án lớn, nhưng với dự án thành phần, nên mạnh dạn phân cấp cho địa phương, trong đó ưu tiên những vùng có có năng suất lao động cao, hệ số đòn bẩy, thu chi ngân sách cao để đảm bảo tính khả thi dự án.

Theo GS. Hoàng Văn Cường (đại biểu đoàn Hà Nội) trong giai đoạn tới cần quan tâm tới tỷ trọng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bởi thực tế giai đoạn vừa qua cho thấy các dự án PPP không thực hiện được mà phải chuyển sang đầu tư công. Điều đó cho thấy việc huy động các nguồn lực của xã hội chưa thành công, cần chú trọng hơn trong thời gian tới, để huy động được các dự án PPP.

Cùng với đó, việc xây dựng các dự án PPP cần tốt hơn, vì chúng ta bị động, phụ thuộc vào các doanh nghiệp nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, rủi ro, không khả thi. “Chúng ta phải thực hiện các cam kết giữa nhà nước với nhà đầu tư để tránh tình trạng nhiều dự án PPP gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội phản ánh”, ông Cường lưu ý.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị phải lựa chọn cơ cấu phân bổ và các dự án cần đầu tư. Theo ông Cường, có một số dự án chưa cấp bách, chưa cần thiết để đầu tư tư công. Như việc phân bổ vốn cho Tổng Công ty đường cao tốc, Quốc hội đã thảo luận, chuyển từ vốn vay sang vốn cấp phát không phù hợp với Luật Đầu tư công. Hay một số dự án tôn tạo, cải tạo không phải trọng điểm quốc gia cũng đưa vào danh mục đầu tư…

“Chúng ta nói đầu tư cho giáo dục cao, nhưng chủ yếu đầu tư cho con người, còn đầu tư cho toàn ngành còn thấp, chưa góp phần tạo đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực, tôi tha thiết đề nghị trong kế hoạch sắp tới dành ưu tiên nhiều hơn cho giáo dục đào tạo, trong đó chú ý là đại học và cao đẳng”, GS Cường nêu.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá, áp lực trả nợ công tới đây rất lớn. Trong khi dự toán thu ngân sách nhà nước giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ngân sách địa phương khi giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân, trong khi thuế giảm thu, cổ phần hóa DNNN tuy còn dư địa nhưng đây là nguồn thu không chắc chắn, khó bảo đảm. Vì thế, Chính phủ cần xem xem lại việc cân đối nguồn thu.

Về thứ tự ưu tiên phân bổ vốn, trong đó ưu tiên thanh toán nợ xây dựng cơ bản và cuối cùng mới là các dự án mới. Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo số dự án chuyển tiếp trong giai đoạn cũ là rất lớn với hơn 1 nghìn dự án. Vậy những dự án này có tiếp tục dở dang không, có hiệu quả để tiếp tục ưu tiên vốn không? Trong khi các dự án mới phải mang tính cấp bách, nhưng nhìn vào bảng các dự án chưa thấy thực sự cấp bách.

MỚI - NÓNG