Nga tuyên bố sẽ không yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết Mátxcơva sẽ không yêu cầu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt, vì áp lực từ phương Tây sẽ không thể làm thay đổi hướng đi của Mátxcơva.
Nga tuyên bố sẽ không yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin. Ảnh: Tass

Phát biểu ngày 14/3, Thứ trưởng Vershinin cho biết cả Washington và EU đều đã “rất cố gắng để áp đặt càng nhiều lệnh trừng phạt lên Nga càng tốt”, nhằm tác động đến chính sách của Điện Kremlin và “buộc Nga phải thay đổi các quyết định trước đó”.

“Nhưng việc này sẽ không có tác dụng”, ông Vershinin nhấn mạnh. “Chúng tôi không quyết định về các biện pháp trừng phạt. Chúng được áp đặt bởi Mỹ và đồng minh, những người muốn gây áp lực lên Nga, đặt nền kinh tế Nga và những người dân Nga bình thường vào thế khó. Họ làm điều này như một sự trừng phạt đối với các quyết định chính trị của Nga.”

Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh Nga “sẽ không yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này”, vì các biện pháp trừng phạt này là không hợp pháp, và cũng không có tác dụng gây áp lực lên Mátxcơva.

“Chúng tôi sẽ không yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này. Chúng tôi sẽ phát triển nền kinh tế của mình cùng khả năng phát triển một cách độc lập, dựa vào bạn bè và những người cùng chung chí hướng”, ông Vershinin nói.

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ, EU cùng nhiều quốc gia khác áp đặt lên Nga bao gồm những biện pháp hạn chế tài chính, đóng cửa không phận và các biện pháp làm tê liệt nền kinh tế khác. Một số chính trị gia và công ty Nga, các tổ chức truyền thông và tài chính, cũng đã bị áp lệnh trừng phạt. Nhiều tập đoàn đa quốc gia bao gồm Microsoft, Apple, Sony, Visa, Mastercard đã quyết định ngừng tạm thời hoạt động ở Nga, hoặc rời khỏi thị trường này cho đến khi chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc.

Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây là rất nghiêm trọng, nhưng Điện Kremlin đã chuẩn bị trước để đối phó.

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2 với mục tiêu phi quân sự hoá, phi phát xít hoá nước này. Mátxcơva từng nhiều lần tuyên bố sẽ không chiếm đóng Ukraine sau khi kết thúc chiến dịch. Các cuộc tấn công cũng sẽ chỉ nhắm vào các sơ sở và mục tiêu quân sự, không nhắm vào dân thường.

Theo Sputnik
MỚI - NÓNG