Điện Kremlin hôm qua cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có cuộc điện đàm để bàn bạc về những bước đi mà nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác (OSCE) có thể làm để giảng hoà các bên trong cuộc xung đột. “Tổng thống Macron và Tổng thống Putin đồng ý về sự cần thiết phải có một nỗ lực chung để đạt được thoả thuận ngừng bắn trong khuôn khổ Minsk”, AP dẫn thông cáo từ văn phòng của ông Macron.
Kremlin nói rằng, không có giải pháp nào ngoài việc “dùng các biện pháp ngoại giao và chính trị” để giải quyết khủng hoảng. Nga, Pháp và Mỹ là đồng chủ tịch nhóm Minsk. Nhóm này chưa họp lần nào kể từ khi xung đột nổ ra. Nga cũng đề xuất tổ chức họp để hai ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đối thoại nhằm chấm dứt đợt xung đột bắt đầu hôm 27/9.
Vài chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi chiến sự nổ ra ở Nagorno-Karabakh, vùng đất nằm trong Azerbaijan nhưng do người Armenia ở địa phương quản lý. Vùng đất này tách ra sau cuộc chiến tranh năm 1991-1994 nhưng chưa được quốc tế công nhận là nước độc lập. Sự bùng phát trở lại của “cuộc xung đột đóng băng” từ khi Liên Xô sụp đổ đang gây quan ngại về sự ổn định ở nam Cáp-ca, một hành lang của tuyến đường dẫn dầu khí ra thị trường thế giới và tạo cơ hội cho các cường quốc khu vực. Chiến sự nổ ra ở khu vực nằm ở ngã ba giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột mở rộng.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột và nói rằng sẽ hỗ trợ nếu được đề nghị, nhưng phủ nhận đã điều lính đánh thuê ở nước ngoài đến vùng chiến sự.
Ông Macron cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “có giọng hiếu chiến”. Pháp có khoảng 600.000 người gốc Armenia đang sinh sống. Ông Macron bày tỏ quan ngại trước thông tin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ điều lính đánh thuê ở Syria sang hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột. Văn phòng của Tổng thống Macron hôm qua tuyên bố rằng, ông và Tổng thống Nga đã bàn về vấn đề này, và cả hai “chia sẻ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ điều lính đánh thuê từ Syria đến Nagorno-Karabakh”. Văn phòng của ông Macron không cung cấp thông tin cụ thể về lực lượng đánh thuê này.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về “những tay súng từ các nhóm vũ trang nước ngoài trái phép, đặc biệt từ Syria và Libya” đang được điều đến Nagorno-Karabakh. Nga không nói rõ nước nào đang đưa lính đến chiến trường, nhưng thúc giục “lãnh đạo các nước liên quan thực hiện biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc sử dụng các đối tượng khủng bố nước ngoài và lính đánh thuê trong cuộc xung đột”. Giới chức Armenia cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào cuộc xung đột, nhưng Ankara bác bỏ.
Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nagorno-Karabakh có thể tác động đến vai trò của Nga ở khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu ủng hộ đồng minh Azerbaijan nhưng chưa bao giờ tham gia trực tiếp. Giờ đây, với lời hứa của Ankara về việc hỗ trợ quân sự, giới phân tích cho rằng Mátxcơva có thể phải nghĩ lại về chính sách của mình.
Giờ đây, khi Mỹ đang tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và châu Âu đang bận đối phó làn sóng COVID-19 thứ hai, giới phân tích cho rằng đang thiếu người đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xung đột này.
Một nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết các lãnh đạo EU sẽ bàn về cuộc xung đột tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels vào cuối ngày 1/10. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Clement Beaune, nói rằng EU phải “gửi tín hiệu kiên quyết” đến Thổ Nhĩ Kỳ rằng, nước này có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt, Reuters đưa tin.
Số người thương vong trong cuộc xung đột đã vượt 100, gồm cả dân thường. Armenia báo cáo 104 binh lính và 23 thường dân thiệt mạng, đồng thời cho rằng Azerbaijan có 130 lính thiệt mạng và 200 người bị thương. Armenia thông báo, hai công dân Pháp làm việc cho báo Le Monde đã bị thương trong trận pháo kích sáng qua và phải nhập viện. Nguồn tin từ chính phủ Armenia nói rằng, hai người này đang trong tình trạng nguy kịch.
Việt Nam kêu gọi kiềm chế
Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước tình hình căng thẳng leo thang tại Karabakh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 1/10:
“Việt Nam lo ngại trước những thông tin về xung đột. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của Nhóm Minsk OSCE và kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt leo thang căng thẳng tình hình, vì lợi ích của người dân hai nước, giải quyết xung đột thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới”.