N.M.Q cho biết em đăng ký 3 nguyện vọng vào ngành Sư phạm Vật lý của trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (nguyện vọng 1), trường ĐH Sài Gòn (nguyện vọng 2) và trường ĐH Đồng Nai (nguyện vọng 3).
Với 22,3 điểm (cả điểm cộng ưu tiên) Q tin sẽ đỗ nguyện vọng 3 vào trường ĐH Đồng Nai vì mọi năm, ngành này lấy gần 20 điểm. Vì thế, khi thay đổi nguyện vọng, em thấy trường thông báo tuyển 10 chỉ tiêu ngành Sư phạm Vật lý nên nghĩ chắc chắn đỗ và không đăng ký bổ sung thêm nguyện vọng.
Nhưng khi trường công bố điểm chuẩn là trên 24, Q mới biết không đỗ nguyện vọng nào trong lần xét tuyển đầu tiên. Đáng buồn hơn khi lý do trường lấy điểm chuẩn thật cao để không ai đỗ ngành này. N.M.Q cho hay, hiện, em chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của trường ĐH Đồng Nai.
Đáng nói là năm 2018, Q cũng đỗ vào trường ĐH Đồng Nai, nhưng do không đủ thí sinh để mở lớp, nhà trường thông báo cho đổi sang nguyện vọng khác của trường. Trong số những nguyện vọng mà trường đưa ra, Q chọn Sư phạm Toán. Nhưng chỉ học hết một học kỳ vì đam mê môn lý, em nghỉ học để năm nay thi lại.
Trớ trêu thay, kết quả 2019 còn bi kịch hơn khi dù điểm cao nhưng em không còn bất cứ cơ hội xét tuyển nào ở đợt 1.
Xem xét dừng tuyển ngành không có thí sinh
Không riêng trường ĐH Đồng Nai, một số trường khác cũng có tình trạng nâng điểm để đánh trượt thí sinh. Ngày14/8, bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho biết năm tới sẽ xem xét dừng tuyển sinh ngành phải nâng cao điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh.
Theo bà Bình, sau đợt xét tuyển vừa qua, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM có 2 ngành số lượng thí sinh đăng ký quá ít, phải nâng điểm chuẩn cao để thí sinh… trượt, tạo điều kiện cho thí sinh trúng tuyển vào trường khác. Cụ thể, ngành công nghệ sau thu hoạch chỉ có 2 em xét tuyển, trong đó một em có điểm số gần 22 nên trường quyết định điểm chuẩn 22 để em này không trúng tuyển vào nguyện vọng 1 mà trúng vào nguyện vọng kế tiếp.
Ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng cũng chỉ có một em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường với mức điểm trên 19. Nhà trường quyết định lấy điểm chuẩn 20 để thí sinh này trúng tuyển ở các nguyện vọng sau. Các ngành khác trường thấy đủ số lượng tổ chức lớp, lấy điểm chuẩn là 14.
Nói về sự cố ngoài mong muốn này, bà Nguyễn Thị Mai Bình cho rằng lỗi không thuộc về ai. Về nguyên tắc, thông tin của thí sinh là bí mật cá nhân, nên Bộ không được phép cung cấp cho các trường trong quá trình chờ lọc ảo.
“Trường cũng bị động trong việc này. Đây là hai ngành khó tuyển sinh từ năm 2018. Năm tới sẽ quyết định sớm dừng tuyển sinh từ đầu để không xảy ra những tình huống tương tự”, bà Bình cho biết.