Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm để ứng phó biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mục tiêu của ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030 là đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó hướng tới nâng cao năng lực cảnh báo và dự báo sớm, theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn.

Thưa ông, vì sao những năm qua, chúng ta đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm đối với các loại hình thiên tai?

Như chúng ta biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ XXI. BĐKH với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Do tác động của biến đổi khí hậu nên những năm gần đây thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ngày càng phổ biến, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Dự báo xu thế thiên tai này còn tiếp tục trong thời gian tới theo hướng cực đoan, bất thường hơn.

Những hậu quả do BĐKH sẽ ngày càng thảm khốc hơn nếu chúng ta không hành động kịp thời ngay từ bây giờ. Các thông tin số liệu theo dõi, giám sát và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân, Chính phủ trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro và đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm để ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hoài Linh.

KTTV không chỉ cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà quan trọng hơn là triển khai hệ thống cảnh báo sớm, đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

Hiệu quả mang lại từ các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn là rất lớn, ví dụ như đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay nhưng nhờ thông tin cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống, khắc phục nên kết quả, thiệt hại của đợt xâm nhập mặn này chỉ bằng 1/10 so với các năm hạn mặn lớn trước đây.

Hay như việc ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thông tin về hiện trạng và dự báo nguồn nước đến các hồ chứa được cung cấp kịp thời đến lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố.

Nhờ đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng các phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa trên các lưu vực sông, nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện.

Ngoài ra, Tổng cục KTTV đã thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, người dân trong chỉ đạo và sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động của thời tiết, tăng năng suất và hiệu quả.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm để ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 2

Việt Nam tăng cường hiện đại hoá mạng lưới quan trắc, dự báo khí tượng thuỷ văn trong những năm qua. Ảnh: Hoài Linh.

Có thể nói, cảnh báo sớm để hành động sớm đã trở thành phương châm hành động của ngành khí tượng thủy văn từ trước đến nay, không chỉ trong các tình huống thiên tai cụ thể mà xuyên suốt các ngày trong năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu, đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân.

Vậy thưa ông, thời gian tới, ngành khí tượng thuỷ văn sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm nói riêng cũng như năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn nói chung?

Nhu cầu của xã hội đối với thông tin khí tượng thuỷ văn (KTTV) ngày càng chi tiết, định lượng hơn. Do đó, ngành KTTV Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo, nhất là vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan gồm mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão. Từ các hệ thống quan trắc nặng tính thủ công đã chuyển sang các hệ thống quan trắc tự động. Đến nay đã bổ sung được thông tin quan trắc từ hơn 2000 trạm tự động gần như thời gian thực (đo đạc 10 phút một lần).

Hệ thống quan trắc radar thế hệ cũ được thay thế một cách đồng bộ bằng các radar thế hệ mới của Nhật Bản, Phần Lan, cùng với các radar có khả năng di động để phục vụ việc bổ khuyết các điểm thiếu hụt quan trắc và di chuyển đến các điểm có khả năng xảy ra thời tiết cực đoan như khu vực bão đổ bộ.

Bên cạnh đó, các loại quan trắc thám sát mới đã được ứng dụng trong công tác cảnh báo thời tiết nguy hiểm tức thời như hệ thống định vị sét toàn cầu từ vệ tinh và hệ thống định vị dông sét mặt đất hiện đại của Phần Lan.

Đối với việc ứng dụng công nghệ dự báo số, từ cuối năm 2018, với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dày - đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết-phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm để ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 3

Ngành khí tượng thuỷ văn tiếp tục đầu tư, nâng cấp công nghệ cảnh báo, dự báo trong những năm tới.

Trong chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn, chúng tôi hướng đến mục tiêu năm 2030 đạt được trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Trong đó, dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường có độ tin cậy đạt 80-85%. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày.

Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày, tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 05-10% so với năm 2020, cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 06 giờ.

Bên cạnh đó, tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến một tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến một năm.

Để đạt được mục tiêu trên, đến năm 2030 sẽ nâng tổng số trạm quan trắc tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước.

Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng.

Cảm ơn ông!

Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “At the frontline of climate action” –“Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

MỚI - NÓNG