“Thổ Nhĩ Kỳ là nước đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một trong những nguyên tắc cơ bản của quan hệ liên minh là khả năng tương thích vũ khí”, ông Jeff Davis nói.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải giải thích kế hoạch mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không S-400”, đại diện Lầu Năm góc nhấn mạnh.
Trước đòi hỏi của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tuyên bố Mỹ không cần ngại về các cuộc đàm phán giữa Ankara và Moscow về việc cung cấp S-400.
“Tại sao thông tin này phải làm chúng ta lo lắng? Mọi quốc gia luôn có quyền thực thi các biện pháp để đảm bảo an ninh”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại một cuộc họp báo ở Ankara vào hôm qua 24/7.
Trước đó, truyền thông phương Tây đồng loạt đăng tải thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng chi 2,5 tỷ USD để hệ thống tên lửa S-400 của Nga, nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của nước này.
Theo quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ nhận được hai hệ thống phòng không S-400 vào năm 2018.
Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Rosoboronexport của Nga không bình luận về thông tin trên.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng có kế hoạch trang bị các hệ thống tên lửa tối tân, nhưng từ bỏ kế hoạch mua các hệ thống như vậy từ Trung Quốc do áp lực từ Washington.
Tuy S-400 của Nga không tương thích với hệ thống phòng không NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có thể bố trí ở trên khu vực biên giới với Armenia, Hy Lạp và biển Aegean.
Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Kozhin lưu ý rằng, Moscow không có bất cứ trở ngại nào đối với việc cung cấp S-400 cho Ankara, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO.
Theo Bloomberg, thỏa thuận với Nga được xem là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lưng lại với NATO.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên khác của NATO đang trở nên xấu đo do quan diểm độc lập của Tổng thống Erdogan về cuộc xung đột ở Iraq và Syria.